Mắc bệnh câm, điếc bẩm sinh nhưng Lê Tấn Phát (20 tuổi, ngụ ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) sở hữu đôi tay khéo léo, chế tạo nhiều xe mô hình với kích thước siêu nhỏ.
Các sản phẩm của chàng trai được nhiều người yêu thích, điều này giúp Phát có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Phát bên 2 chiếc mô tô yêu thích (Ảnh: Bảo Kỳ).
Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (67 tuổi, bà nội của Phát) cho biết, từ khi chào đời, Phát đã có những biểu hiện lạ, không nghe và không nói được. Qua nhiều lần kiểm tra, thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Phát bị câm, điếc bẩm sinh, không thể chữa trị.
Biến cố gia đình ập đến, cha mẹ cháu ly hôn, mẹ bỏ đi, cha buồn quá cũng đi lập nghiệp xứ người, đến lễ, Tết mới về thăm con. Nhiều năm nay, chỉ có hai bà cháu nương tựa qua ngày.
Nói về những chiếc mô tô kích thước siêu nhỏ nhưng giống hệt bản gốc, bà Hoa cho hay Phát hay xem mạng xã hội, có lẽ điều này đã khơi gợi tinh thần sáng tạo của cháu.
Các chất liệu chế tạo xe của Phát rất đơn giản như vỏ xe, gỗ vụn, ống nhựa… (Ảnh: Bảo Kỳ).
Ban đầu, bà chỉ nghĩ đó là sở thích nhất thời, nhưng khi nhìn thấy những chiếc xe mô hình hoàn chỉnh, ai cũng rất ngạc nhiên. Thế là 4 năm nay, Phát say mê với việc “chế” xe mô hình. Mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một dấu ấn riêng.
Có những chiếc Cup 50, Cup 70 nhỏ nhắn, năng động, có những chiếc xe Dream mang vẻ đẹp hoài cổ, cả những chiếc môtô phân khối lớn đầy mạnh mẽ và còn rất nhiều mẫu xe khác khá ấn tượng.
Tất cả xe mô hình đều được Phát chế tác cẩn thận từng chi tiết nhỏ, từ phần khung, đệm, bánh, động cơ đến hệ thống đèn chiếu sáng.
Các mô hình với đa dạng kiểu dáng và có thể di chuyển phần bánh xe một cách linh hoạt. Nhìn cách chàng trai 20 tuổi cẩn thận cắt, uốn, mài từng chi tiết nhỏ, từ bánh xe, đèn pha, cho đến những đường nét tinh xảo trên thân xe mới thấy sự cố gắng, ý chí vươn lên của cậu.
Theo bà Hoa, sân nhỏ trước nhà trở thành nhà xưởng để cậu chế tác xe. Dụng cụ làm nghề và vật liệu cũng đơn giản như kéo, kìm, giấy nhám, ống nhựa, gỗ, vỏ xe.
“Phát có thói quen làm một loạt nhiều chiếc xe cùng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn, cháu sẽ gắn yên xe và các chi tiết nhỏ lại với nhau, rồi sơn màu theo ý thích và cuối cùng là gắn biển số xe để hoàn thiện sản phẩm. Thời gian làm mỗi chiếc xe mất khoảng 4 ngày, có khi lâu hơn với những sản phẩm cầu kỳ, nhiều chi tiết”, bà Hoa nói.
Khoảng sân trước nhà trở thành xưởng để Phát chế tạo xe mô hình (Ảnh: Bảo Kỳ).
Theo lời bà nội, trước đây Phát làm xong các chiếc xe rồi trưng bày trong tủ để ngắm mỗi ngày, tình cờ những sản phẩm của cậu được biết đến, một số người còn hỗ trợ Phát đầu tư máy móc, thiết bị chế tạo xe hiện đại hơn. Đồng thời, Phát cũng có thêm nguồn thu phụ giúp gia đình.
Hiện Phát nhận làm xe mô hình theo yêu cầu của khách hàng, chỉ cần gửi mẫu để Phát nhìn vào quan sát là sẽ làm được. Mỗi chiếc xe mô hình bán với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/chiếc.
Đặc biệt, dự án chế tạo xe mô hình từ vật liệu tái chế của Phát vừa đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ 8 năm 2024. Điều này không chỉ tạo thêm động lực cho Phát tiếp tục với đam mê, mà còn truyền cảm hứng về ý chí, nghị lực cho nhiều người.