Một phòng chiếu phim tại nhà có hệ thống cửa gia cố, có thể trở thành phòng an toàn cho chủ nhà nếu cần. Ảnh: Hans Fonk.
Nỗi lo về xung đột, khủng bố, kết hợp với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu khiến nhiều người ngày càng sợ hãi về “ngày tận thế”. Vì thế, các tỉ phú đã không ngại chi đậm đầu tư boongke để bảo vệ bản thân và gia đình.
Theo CNN, boongke của giới siêu giàu được thiết kế có thể chống chọi với mọi thứ, trừ một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Không chỉ vậy, đối với một số tỷ phú, việc chỉ “đơn giản” đặt một căn phòng an toàn, không thể xuyên thủng dưới tầng hầm, giờ đây không còn đủ.
Trong những bất động sản siêu sang ngày nay, boongke ngày càng cao cấp với hàng loạt công nghệ được áp dụng. Trong một số trường hợp, nó phát triển đến mức toàn bộ dinh thự có thể trở thành “pháo đài” của thế kỷ XXI.
“Chúng tôi thấy mọi người tập trung nhiều hơn vào giải trí”, Al Corbi – chủ tịch và nhà sáng lập SAFE (công ty đi đầu trong lĩnh vực cung cấp hệ thống an ninh cho giới nhà giàu tại Mỹ) – nói. “Nếu bạn có thể sống sót dưới lòng đất, chúng tôi cũng muốn bạn sống vui vẻ”.
Corbi chia sẻ hiện bên ông đang xây dựng ngôi nhà rộng lớn tại Mỹ – nơi đặc biệt an toàn với cửa chống nổ, cửa sổ không thể phá và hệ thống ra vào sinh trắc học.
Nơi đây cũng có hào sâu hơn 9,1 m với cầu xoay, vòi rồng có khả năng bắn hạ trực thăng, máy bay không người lái hoặc người nhảy dù.
Ngoài ra, xung quanh ngôi nhà còn có lớp chất lỏng dễ cháy – có thể tự động phủ trên bề mặt của hồ nhân tạo và đốt cháy để tạo ra vòng lửa phòng thủ.
SAFE đã giúp lắp đặt hệ thống bảo vệ dinh thự Antilia cao 27 tầng tại Mumbai cho tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: Noemi Cassanelli/CNN.
Hầm trú ẩn “tận thế”
Corbi chia sẻ ngay từ 50 năm trước, các boongke truyền thống đã trông giống khách sạn cao cấp – “như Ritz Carlton (thương hiệu nổi tiếng của ngành khách sạn xa hoa), nhưng dưới lòng đất”.
Tương tự giờ đây, Corbi cho biết khách hàng của ông không có nhu cầu thiết kế tiện dụng hay “khiêm tốn” trong không gian bảo vệ an toàn.
Thái độ “không muốn kém cạnh ai” có thể là một phần thúc đẩy nhu cầu này.
Một số chuyên gia chỉ ra sự gia tăng đột ngột về nhu cầu tiện ích xa hoa ở boongke, sau khi thông tin về khu phức hợp khổng lồ mà người sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg – xây dựng ở Hawaii được tiết lộ vào năm 2023.
Khu phức hợp này có hầm trú ẩn ngầm rộng hơn 464 m2, bao gồm không gian sống, một nhà máy và phòng cơ khí để duy trì hoạt động của hầm trú. Nó cũng có “nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm riêng” và “có vẻ như có một cánh cửa chống nổ”.
Zuckerberg chắc chắn không đơn độc trong kế hoạch xây dựng hầm trú ẩn. Metro tiết lộ rằng tỷ phú Peter Thiel đang chờ cấp phép xây dựng nơi trú ẩn dưới lòng đất ở New Zealand. Sam Altman, CEO của OpenAI, được cho có dự án tương tự.
CNN dẫn một số nguồn tin cho rằng tỉ phú Bill Gates thậm chí có boongke ở mọi dinh thự mà ông sở hữu.
Graham Harris, đối tác sáng lập tại SHH Architecture and Interior Design ở London (Anh) – một trong những công ty thiết kế kiến trúc có giá trị tài sản ròng cao hàng đầu thế giới – cho biết ông cũng đang chứng kiến nhu cầu thay đổi.
Một boongke có làn chơi bowling do SAFE thiết kế. Ảnh: SAFE.
Cách đây không lâu, khách hàng thường xây dựng thêm phòng tắm trong phòng chính của họ để tránh các cuộc tấn công. Bức tường nội thất sẽ được làm bằng bê tông và cửa an toàn được thiết kế để hòa hợp với phần trang trí của ngôi nhà. Thời điểm đó, nhiều người nghĩ tốt hơn là có thể vào phòng kế bên vào ban đêm, thay vì phải chạy xuống tầng hầm xa.
“Bây giờ (nơi trú ấn) đã phát triển về kích thước và tầm vóc”, Harris nói. Ông chia sẻ giờ đây, nhiều người lựa chọn thiết kế an toàn cho toàn bộ căn phòng thay vì chỉ phòng tắm. Nó cho phép khách hàng tự bảo vệ mình bằng cách bật công tắc cạnh giường.
“Chúng tôi cũng mới xây dựng một ngôi nhà ở Highgate (khu vực cao cấp phía bắc London). Tại đây, phòng chiếu phim chính là phòng an toàn với nguồn cung cấp không khí được lọc riêng, cửa an toàn, bếp nhỏ và khu vực đầy đủ tiện nghi có thể nuôi sống cả gia đình trong hơn một tuần”.
Một khách hàng khác đã biến phòng trưng bày nghệ thuật rộng hơn 278 m2 của mình thành phòng an toàn – nơi cũng có nguồn điện riêng
Để giúp giữ cho những không gian như vậy “tự nhiên”, giới nhà giàu có thể lắp đặt “cửa sổ trời” thông minh trên trần nhà để mô phỏng thời gian và thời tiết bên ngoài.
Bể cá mập, trường bắn và máy mô phỏng
Những cánh cửa và lối đi bí mật đã trở thành điểm nhấn độc đáo đáng mong đợi để khoe với khách sau bữa tối, đồng thời cũng là tính năng an toàn quan trọng.
Creative Home Engineering ở Arizona (Mỹ) – công ty chuyên về chế tạo và lắp đặt cánh cửa, lối đi bí mật – gần đây đã xây dựng lò sưởi xoay khổng lồ. Sau khi xoay, lò sưởi này để lộ ra lối vào ngầm dẫn đến trường bắn.
Giới siêu giàu ngày càng quan tâm đến các tính năng như đường hầm thoát hiểm và phòng y tế. Ảnh: SAFE.
Trong ngôi nhà khác, một buồng điện thoại cũ của Anh được thiết kế sao cho khi nhập đúng mã trên bàn phím, cửa kính sẽ trở nên mờ đục và bức tường phía sau mở ra, để lộ đường trượt dẫn xuống khu vực tầng hầm an toàn. Nơi này thậm chí có cả thiết bị giả lập lái máy bay và bể cá mập.
Corbi cho biết thêm ông nhận thấy các triệu phú ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu hơn. Đối với thị trường “hầm trú ẩn” này, thiết kế bảo vệ cho phòng có sẵn có thể có giá vài nghìn USD. Với hàng trăm nghìn USD, boongke thép theo mô đun đúc sẵn có thể được đặt dưới ngôi nhà mới xây.
Dù vậy, đối với hầu hết hệ thống an toàn, Corbi giải thích khách hàng của ông chỉ đơn giản là đang mua thời gian.
“Nếu có ai đó đột nhập vào ban đêm, họ vẫn có thể vào được, nhưng họ sẽ không thể vào được phòng ngủ – nơi gia đình được an toàn đủ lâu để cảnh sát có thể uống hết cà phê và ăn hết bánh rán”, ông nói.
Ở nhóm giàu có hơn, các tỷ phú ngày càng lo lắng về mối đe dọa đối với sức khỏe, có thể từ cuộc tấn công khủng bố sinh học, đại dịch do virus hay cơn đau tim, tai nạn thông thường.
Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ mảng kinh doanh này của SAFE. Ngay trong chính dinh thự, một số phòng được trang bị đầy đủ như phòng phẫu thuật tại bệnh viện tốt nhất.
Nó bao gồm đầy đủ phòng khử trùng, tủ đựng thiết bị bảo hộ cá nhân và hiệu thuốc dự trữ thuốc cấp cứu cũng như các hợp chất vitamin phù hợp với từng bệnh nhân, để giúp họ chịu đựng được thời gian dài bị cô lập.
“Quên bom hạt nhân đi, thứ chúng ta nên chuẩn bị là cuộc sống thực”, Corbi nói. “Nếu tôi có 1 USD để chi tiêu vào boongke hay sự chuẩn bị y tế, tôi biết mình sẽ làm gì. Những ngày bạn có thể ném một bộ dụng cự sơ cứu vào boongke lắp sẵn và nói rằng bạn an toàn đã qua lâu rồi”.
Tác giả: Minh An
Nguồn tin: znews.vn