Khởi nguồn cho đột phá ở đất Sen Hồng
Dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo Lao Động xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929 – 14.8.2024), chúng tôi có dịp về Đồng Tháp và bất ngờ khi biết ông Huỳnh Minh Đoàn (1953) nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, từng là độc giả trung thành của Báo Lao Động trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp và Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Theo ông Đoàn, trong số những tờ báo chính trị có vị thế và uy tín cao trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, ông yêu thích và thường xuyên đọc Báo Lao Động vì vừa đảm bảo được tính thời sự, vừa có độ chính xác cao. Nhất là báo luôn đảm bảo hài hòa giữa 2 yếu tố tưởng chừng như đối nghịch nhau: chống và xây.
Điều khiến ông Đoàn tâm đắc nhất là việc Báo Lao Động đã tạo cho mình vị thế riêng khi luôn lấy “xây” để “chống” và “chống” để “xây”. Chính điều này đã mang lại cho ông nhiều điều bổ ích trong xử lý công việc.
“Nói tới Báo Lao Động, tôi có những kỷ niệm sâu sắc. Từ nguồn tin chính thống này đã giúp tôi tham khảo, học tập để tích lũy kinh nghiệm và có đường hướng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời”- ông Đoàn nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Minh Đoàn – nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2001-2010. Ảnh: Phong Linh
Theo đó, những năm đầu thế kỷ 21, ấn tượng về bài viết về công tác xuất khẩu lao động trên Báo Lao Động, đã thôi thúc ông có trách nhiệm với quê nhà, chủ động bàn bạc với các lãnh đạo tỉnh quyết tâm làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương bằng giải pháp khuyến khích xuất khẩu lao động.
“Báo Lao Động đã gợi cho Đồng Tháp ý tưởng về đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài” – giọng ông Đoàn bỗng hùng hồn lên – ” Khoảng năm 2002, trong lúc đọc Báo Lao Động, tôi như vớ được vàng khi đọc bài viết về công tác đưa lao động ra nước ngoài làm việc của địa phương miền Trung. Sau đó, tôi đưa vấn đề ra trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đồng Tháp vào cuộc với xuất khẩu lao động”.
Ông Đoàn trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những kỷ niệm với tờ báo. Ảnh: Phong Linh
Ông Đoàn cho biết, qua theo dõi báo chí, đặc biệt là Báo Lao Động, thấy Đồng Tháp nằm trong top đầu cả nước về số lượng lẫn chất lượng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ông cảm thấy rất mừng. Với phương châm: Đi làm thuê – Về làm chủ”, chương trình không chỉ giúp nhiều công dân Đồng Tháp thoát khỏi cái nghèo, mà còn biết phát huy tri thức tích lũy được, giải quyết việc làm cho nhiều người trong làng, trong xã… thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của thế hệ lãnh đạo trẻ của tỉnh.
Đến khi ông về làm Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thông qua phụ trang ĐBSCL của Báo đã giúp ông có cách nhìn khái quát, cụ thể về tình hình chung cũng như những mặt trái của vùng. “Vì thế chỉ cần lướt qua nửa giờ là tôi nắm một cách đầy đủ thực trạng, nhu cầu cơ bản của cả khu vực ĐBSCL, từ đó trao đổi, đề xuất với Chính phủ một cách nhanh chóng, cụ thể…” – ông Đoàn nói thêm.
Người lao động Đồng Tháp xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp.
Khi phóng viên Báo Lao Động là nhà
Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Báo Lao Động, ông Đoàn bồi hồi: “Tôi muốn nhắc đến cố nhà báo Lê Vũ Tuấn. Với tôi, anh Tuấn không chỉ có công tuyên truyền thông tin cho Đất Sen Hồng, mà còn tuyên truyền một cách chính xác và tài hoa. Khi biết anh Tuấn cần chuyển nhà về Cần Thơ, tôi chủ động điều động xe và phân công anh em đến hỗ trợ. Đó không chỉ đơn thuần là giúp đỡ mà thể hiện sự kính trọng với nhà báo Báo Lao Động”.
Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng theo trào lưu công nghệ, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vẫn thường xuyên xem Báo Lao Động qua báo điện tử. Và ông vẫn dành cho Báo Lao Động tình cảm như xưa. “Lao Động vẫn là tờ báo số 1 của đoàn viên, người lao động; các thông tin thời sự mới, nhậy, kịp thời”- ông chia sẻ.