Thêm quyền lợi cho hàng triệu lao động
Theo luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Cạnh đó, luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, chưa có hình thức tham gia tự nguyện với những người không thuộc đối tượng tham gia.
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 “khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN”. Theo Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2015 – 2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng trên 6%/năm), đến năm 2023 số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.
Hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động, gia tăng quyền lợi cho NLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm tìm được việc làm sau khi thất nghiệp, mới đây trong tờ trình dự án luật Việc làm (sửa đổi) đang được trình Quốc hội trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đề xuất bổ sung một số đối tượng tham gia BHTN, gồm: NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (so với hiện nay là từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với luật BHXH 2024.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN thông qua việc hoàn thiện chính sách BHTN như một công cụ quản trị thị trường lao động. Việc sửa đổi luật cần chú trọng sửa đổi chính sách BHTN theo hướng tạo điều kiện để NLĐ tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách nói chung và chính sách về BHTN nói riêng.
Lý giải thêm về việc đưa ra đề xuất trên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nhóm lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là nhóm thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và thường có nguy cơ mất việc làm cao. Nếu tham gia BHTN họ sẽ được hưởng các chế độ BHTN nếu mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm. Hơn nữa việc mở rộng đối tượng sẽ góp phần giảm chi phí chi chế độ trợ cấp thất nghiệp, do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.
NLĐ vừa mừng, vừa lo
Đón nhận thông tin tới đây NLĐ có hợp đồng ngắn hạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Hoàng Bảo Nhi, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thời trang ở Hà Nội, coi đây là một tin vui đối với lao động trẻ mới gia nhập thị trường lao động. Nhi chia sẻ: “Mức lương mình được nhận sau khi trừ tiền BHXH còn hơn 6 triệu đồng/tháng. Tính tiền trọ, tiền ăn, chi phí sinh hoạt thì số tiền tích lũy cũng chẳng được là bao. Lỡ chẳng may mất việc thì coi như mình cạn sạch tiền. Vì vậy, nếu mở rộng chính sách BHTN đến những lao động có hợp đồng ngắn hạn bọn mình cũng yên tâm hơn”.
Ủng hộ chính sách BHTN cho NLĐ có hợp đồng ngắn hạn, song anh Đỗ Thanh Úy, lái xe công nghệ tại Hà Nội, còn không ít băn khoăn. “Đằng sau chúng tôi là gia đình, nếu tham gia BHXH và BHTN thì số tiền đóng hơn 10% thu nhập là không hề nhỏ. Vì vậy, tôi rất mong nhà nước hỗ trợ chúng tôi được tham gia BHXH và BHTN”, anh Úy bộc bạch.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Tô Thị Hồng Hạnh, phụ trách nhân sự Công ty Tico Group, cho rằng nên khuyến khích NLĐ tham gia đóng BHXH và BHTN. “Nhiều bạn trẻ, nhất là lứa cuối 9X khi đi làm thường có tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”, nhiều khi chưa hết thời gian thử việc 2 tháng các bạn đã nghỉ việc. Nếu cứ “nhảy việc” liên tục sẽ rất thiệt thòi cho các bạn, vì vậy, nếu tham gia đóng BHXH, BHTN các bạn sẽ được hưởng lợi. Đây như khoản tiền tích lũy để phòng ngừa khi rủi ro, bất trắc xảy ra với NLĐ”, bà Hạnh nói.
Chính sách nhân văn, cần đánh giá tác động
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chính sách BHTN là chế độ an sinh nhằm bù đắp một phần cho NLĐ khi bị mất việc làm, việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN với NLĐ giao kết hợp đồng lao động 1 tháng đến 3 tháng sẽ giúp người thất nghiệp vượt qua khó khăn, sớm tìm được việc làm. Đặc biệt, trong dịch Covid-19 vừa qua, đã cho thấy chính sách BHTN như là “phao cứu sinh” giải quyết không ít khó khăn cho NLĐ, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc họ chưa tìm được việc làm.
“Xu hướng mở rộng BHTN cho tất cả NLĐ là xu hướng chung của thế giới. Một xã hội tiến bộ, một xã hội phát triển, có mạng lưới an sinh xã hội bao phủ là khi tất cả NLĐ khi tham gia BHXH đều phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện của VN hiện nay rất khó để triển khai, bởi NLĐ giao kết hợp đồng ngắn hạn thường hưởng mức lương thấp. Việc vận động, tuyên truyền giúp NLĐ nhận thức được vấn đề, để họ thấy rằng khi mất việc làm thì tiền trợ cấp thất nghiệp có thể hỗ trợ đảm bảo cuộc sống và có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, cần phải có thời gian”.
Bên cạnh tuyên truyền khuyến khích NLĐ tham gia BHTN, theo ông Lợi, nhà nước nên vào cuộc, đi trước đón đầu, hỗ trợ NLĐ đóng BHTN như là hỗ trợ người dân tham gia BHXH. “Có nhiều NLĐ rất muốn tham gia nhưng còn băn khoăn không biết sẽ được hỗ trợ như thế nào. Theo tôi nhà nước nên hỗ trợ mức đóng BHTN để người dân thấy sự hấp dẫn, thấy chính sách nhân văn thì họ mới tham gia. Khi đó, dù là lương thấp, nhưng vẫn phải có tích lũy, có của để dành khi rơi vào hoàn cảnh mất việc có ít tiền trợ cấp thất nghiệp vẫn còn tốt hơn là bơ vơ, nghèo đói”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động, xã hội, cũng đánh giá đây là chính sách nhân văn, cần được sớm thực thi, bởi những NLĐ hợp đồng ngắn hạn càng dễ thất nghiệp. Hiện các đối tượng này nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc thì cũng nên tham gia BHTN cho đồng bộ chính sách.
“Trong nền kinh tế thị trường, NLĐ làm việc 1 ngày, 1 tháng hay 1 năm đều có nguy cơ thất nghiệp như nhau, đừng nghĩ không có tiền thì không tham gia BHTN. Đây là một chính sách nhân văn, song khi thực thi chính sách chúng ta phải để NLĐ thấy rõ được quyền lợi, khi thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp theo mức đóng; được tư vấn hỗ trợ việc làm; được đào tạo nghề… Những lao động trẻ, mới gia nhập thị trường lao động phải là người tiên phong tham gia BHTN”.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc mở rộng đối tượng như dự thảo luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHTN, mà cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra… Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Ngoài các giải pháp trên, bà Thái Thu Xương, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng BHTN theo hướng tự nguyện. Theo bà Xương, thực tế cho thấy đối tượng tham gia chủ yếu là người có hợp đồng lao động, còn người không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng BHTN, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết 28, qua đó bảo đảm an sinh xã hội.