Nhận diện nguy cơ
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12/13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 403 dự án thứ cấp. Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động trong nước và hơn 1.200 lao động nước ngoài; hoạt động kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ, luyện kim, may mặc… Nhìn chung, các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước, nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, chất lượng việc làm trong một số ngành nghề, lĩnh vực chưa cao. Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn, và việc làm của một bộ phận lao động ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không ổn định do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả phải ngừng hoạt động, giải thể, hoặc phá sản. Những nguyên nhân này là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.
Hoạt động tuyên truyền được chú trọng tổ chức tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Vấn đề an ninh trật tự trong doanh nghiệp
Để các doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư và phát triển lâu dài, vấn đề an ninh trật tự phải được đặt lên hàng đầu. Bà Ngô Thị Yến, Chủ tịch Công đoàn KCN khu vực Đồng Xoài – Đồng Phú cho biết, sự phát triển của mạng xã hội đã làm thay đổi hình thức tiếp nhận và chia sẻ thông tin, đồng thời tác động trực tiếp đến việc tập hợp, quản lý và nắm bắt tư tưởng công đoàn viên, người lao động. “Chúng tôi thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong giải quyết các mâu thuẫn, vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh công nhân. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền và nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Bên cạnh đó, vận động kết nạp đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp nhằm thu hẹp điều kiện hoạt động của các thế lực thù địch, lợi dụng, kích động công nhân tham gia vào các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.”
Theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công lập trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để gây mất an ninh trật tự. “Đây là khó khăn, thách thức lớn với tổ chức và hoạt động của công đoàn, nhưng cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế.” – bà Ngô Thị Yến cho biết thêm.
Cụ thể hóa các giải pháp
Trong thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và bảo vệ an ninh trật tự, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã phối hợp với công an địa phương chủ động nắm bắt tình hình thực hiện chế độ cho người lao động, xử lý kịp thời những bức xúc trong công nhân. Đồng thời, tham mưu kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật tại doanh nghiệp, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm của doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa nguy cơ có thể dẫn đến đình công, tập trung đông người trái pháp luật.
Mô hình “Tổ phụ nữ công nhân khu nhà trọ” ra mắt với mục tiêu giúp đỡ lao động nữ xa quê chấp hành tốt pháp luật, được tham gia sinh hoạt các phong trào văn hóa, văn nghệ
“Doanh nghiệp muốn ổn định thì phải xuất phát từ công nhân. Chính vì vậy, trong các buổi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi đều cố gắng tạo môi trường thân thiện, hài hòa và hiểu được kỳ vọng của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi cần có phiên dịch viên để tiếp cận thường xuyên, tháo gỡ vướng mắc nhằm chủ động phòng ngừa nguy cơ từ sớm, từ xa. Chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình từ cơ sở đối với các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự là biện pháp quan trọng hàng đầu.” – Trung tá Đỗ Văn Thức, Đội trưởng Đội An ninh kinh tế tổng hợp, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh chia sẻ.
Cùng với đó, việc phát triển các mô hình tự quản về an ninh trật tự, như: khu nhà trọ tự quản, tổ an ninh nhân dân, đội công nhân xung kích, tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp để mỗi công nhân, người lao động nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bình Phước đang tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với việc này, ngày càng có nhiều lao động đến làm việc, đặc biệt là lao động nước ngoài. Do đó, việc tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp là điều cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành và chủ doanh nghiệp để tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong công nhân, nâng cao cảnh giác của chủ doanh nghiệp và công nhân trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thù địch nhằm chia rẽ công nhân với chính quyền các cấp.”
Thượng tá NGUYỄN HỒNG VINH, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh