Anh em, đồng nghiệp giết nhau vì mâu thuẫn nhỏ
Nhiều vụ án mạng đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn, va chạm nhỏ nhặt trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Hung thủ trong các vụ án này đa phần là những người không kiềm chế được cảm xúc của bản thân.
Đơn cử như vụ án 2 anh em ruột ở tỉnh Kiên Giang trong lúc ngồi nhậu xảy ra mâu thuẫn nhỏ, người em đã dùng kéo đâm anh trai tử vong.
Cụ thể, vào chiều 18/4/2023, anh em Tăng Hoàng Tỷ (31 tuổi) và Tăng An Toàn (38 tuổi) tổ chức uống rượu tại nhà thuộc ấp Xẻo Lùng, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng. Lúc này, Tỷ nói với Toàn: “Ba mẹ lớn tuổi rồi, anh ăn nhậu vào đừng có quậy nữa”.
Toàn nghe Tỷ nói vậy nên tức giận chửi thề và nói với em trai “Mày đừng có dạy đời tao”. Sau đó 2 anh em xảy ra cự cãi. Toàn vào bếp lấy dao, kéo rượt đuổi Tỷ.
Sợ bị đâm, Tỷ dùng chân đạp trúng người làm Toàn té ngã và rớt kéo xuống đất. Toàn đứng dậy, cầm dao xông tới thì bị Tỷ lấy cây kéo rơi dưới đất đâm trúng vào bụng, té ngã xuống ruộng. Thấy Toàn chảy nhiều máu, Tỷ cùng mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng Toàn đã tử vong.
Ngày 14/6/2024, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tuyên phạt bị cáo Tăng Hoàng Tỷ 7 năm tù về tội “Giết người”.
Bị cáo Tăng Hoàng Tỷ tại phiên tòa. Ảnh: Văn Vũ
Mới đây, vào đêm 16/9, Phạm Văn Đoàn (SN 1992, ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đã sát hại đồng nghiệp là anh H. (SN 1985, ở Nam Định) vì mâu thuẫn trong quá trình làm việc tại cửa hàng sửa xe máy.
Đoàn và anh H. đều là nhân viên của cửa hàng sửa xe máy do anh P. làm chủ. Anh H. được chủ cửa hàng giao nhiệm vụ “kèm cặp”, truyền nghề cho Đoàn và cả 2 đều được chủ bố trí ăn ở tại cửa hàng trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Quá trình sinh hoạt, do thường xuyên bị anh H. mắng chửi nên Đoàn cay cú, ủ mưu giết người. Đêm 16/9, khi anh H. ngủ say, Đoàn dùng kéo đâm liên tiếp vào người khiến nạn nhân tử vong.
Dù Đoàn bỏ trốn nhưng cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng sau 1 ngày gây án.
Lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cho rằng, vụ án mang tính chất bột phát, hung thủ thiếu kiềm chế, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà sẵn sàng dùng hung khí sát hại người “kèm cặp” và truyền nghề cho hắn ta.
“Có quá nhiều vụ án mà nguyên nhân chỉ xuất phát từ những lý do nhỏ nhặt, có vụ đơn giản đến không ngờ nhưng nó vẫn xảy ra. Trong quá trình điều tra các vụ trọng án, công an đều cố gắng điều tra thật kỹ càng để xác định nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội của đối tượng”, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai chia sẻ.
Nghi phạm Phạm Văn Đoàn bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: Tiến Dũng
Bài học kiềm chế bản thân trước mọi mâu thuẫn
Gây tội thì chắc chắn phải đền tội, phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật. Đó vừa là bài học đắt giá dành cho các đối tượng phạm tội, vừa là bài học để nhiều người khác nhìn vào, nhận biết được hậu quả của hành vi sai trái.
Luật sư, chuyên gia tâm lý tội phạm Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết: “Bất cứ ai không hiểu chuyện và làm chủ được bản thân, bị kích động thì rất dễ dính vào vòng lao lý.
Những người bị ảnh hưởng bởi game bạo lực, nghiện chất kích thích… khi có mâu thuẫn sẽ dễ dàng bột phát. Việc thiếu kỹ năng sống của một bộ phận thanh thiếu niên trong việc ứng xử, xử lý mâu thuẫn cũng là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm”.
Theo luật sư Phương Thảo, để chủ động đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nói chung, tội phạm giết người từ mâu thuẫn xã hội nói riêng, mỗi người, mỗi nhà cần tích cực, chủ động hòa giải các mâu thuẫn… trong các mối quan hệ xã hội. Trước khi giải quyết mâu thuẫn cần bình tĩnh, xem xét lợi hại để tự mình kiềm chế, tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, mỗi gia đình cũng cần có sự quan tâm, giáo dục, trang bị kỹ năng sống để uốn nắn, xử lý những mâu thuẫn phát sinh của mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Hơn ai hết, bản thân mỗi người, ngoài việc chấp hành pháp luật, cần bình tĩnh, xem xét lợi hại để tự mình kiềm chế trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.