Bà Trương Mỹ Lan trình bày gì khi xin giảm án tử hình?

Bà Trương Mỹ Lan trình bày gì khi xin giảm án tử hình?

TP HCMTrong đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan phân trần bản án tử hình đối với một người phụ nữ như bà là quá nặng nề và nghiêm khắc, xin tòa xem xét có đường lối xét xử khoan hồng, nhân đạo.

Kháng cáo của bà Lan cùng 47 người khác về bản án ở giai đoạn một vụ án – sai phạm xảy ra tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sẽ được TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét từ ngày 4 đến 25/11.

Trong đơn kháng cáo viết tay dài hơn 5 trang, bà Lan cho rằng TAND TP HCM tuyên phạt bà mức án tử hình về 3 tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là quá nặng nề và nghiêm khắc.

Bà Lan không phân trần đối với các hành vi bị cáo buộc, mà chỉ nói về tâm tư, về quá trình hoạt động kinh doanh, tích lũy khối tài sản của gia đình và việc hình thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2012. “Vì niềm đam mê kinh doanh và muốn xây dựng, cống hiến, với mong muốn tạo nên những công trình tầm cỡ thế giới cho Việt Nam, tôi đã đánh đổi và hy sinh nhiều hạnh phúc của bản thân và gia đình”, đơn kháng cáo nêu.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 hồi tháng 3. Ảnh: Trần Quỳnh

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa sơ thẩm giai đoạn một hồi tháng 3. Ảnh: Trần Quỳnh

Theo Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, suốt 20 năm qua bà và gia đình đã có nhiều đóng góp cho xã hội và các hoạt động từ thiện như: xây dựng bệnh viện tặng cho TP HCM; tài trợ cho các lễ hội của thành phố trong các dịp lễ tết… Do đó, vợ chồng bà đã được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng 3 từ năm 2011 và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Đặc biệt, thời điểm Covid-19 bùng phát, bà và chồng đã tìm mọi cách trong bối cảnh cực kỳ khó khăn để mua 25 triệu liều vaccine tài trợ cho người dân, xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến, cung cấp nhu yếu phẩm cho thành phố…

Bà Lan cũng trình bày về bối cảnh vận động bạn bè, gia đình tham gia giúp hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và tái cơ cấu SCB vào năm 2012. Bản thân bà và toàn thể cán bộ SCB đứng trước áp lực rất lớn và “khó khăn tột cùng khi ngân hàng lúc bấy giờ có tổng tài sản là 144.000 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả đã lên tới 133.000 tỷ đồng”. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ SCB trong nhiều năm đã cố gắng duy trì hoạt động ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn cũng như sử dụng kinh phí của Nhà nước.

“Mạnh mẽ và quyết đoán trong thương trường, nhưng từ sâu thẳm bên trong tôi vẫn là một người phụ nữ đơn độc, thiếu sự hỗ trợ về mặt hiểu biết pháp luật, gánh chịu nhiều áp lực từ dư luận trái chiều. Trong hành trình cuộc đời nhiều bão dông, thực sự tôi không cam lòng. Hằng đêm tôi vẫn luôn day dứt và tự hỏi vì sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh thế này?”, bà Lan giãi bày.

Bà trình bày thêm, dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa sơ thẩm (giai đoạn một) bà luôn tự nguyện mang hết tài sản của mình và phối hợp tích cực cùng SCB để khắc phục hậu quả, xử lý các dự án dở dang để thu hồi đúng giá trị cho SCB

Cuối cùng, bà xin HĐXX và các cơ quan tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xét xử phù hợp đối với gia đình bà và một số cá nhân khác, để nhận được sự khách quan, công bằng, nhân đạo của pháp luật cũng như sự vị tha khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Bản án sơ thẩm xác định, từ năm 2011, bà Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan sử dụng nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền SCB. Trong đó, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.

Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB tại phiên xử hồi tháng 3. Ảnh: Trần Quỳnh

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB tại phiên xử hồi tháng 3. Ảnh: Trần Quỳnh

Ngoài ra, bà còn chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu. Hành vi này là phạm tội Đưa hối lộ.

Quá trình điều tra, xét xử bà Lan nhận trách nhiệm đối với các thiệt hại đã gây ra cho SCB. Tuy nhiên, bà cho rằng hành vi sai phạm của mình xuất phát từ nhận thức thiếu hiểu biết về Luật các tổ chức tín dụng, nên chỉ phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng chứ không Tham ô tài sản; không chỉ đạo Văn Đưa hối lộ.

Ngoài bản án này, bà Lan và 33 người khác còn bị kết tội ở giai đoạn hai vụ án xảy ra Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hôm 17/10, bà Lan bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án chung thân về 3 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng).

Hải Duyên