Áp lực ngành sử dụng nhiều lao động lên TP HCM

Áp lực ngành sử dụng nhiều lao động lên TP HCM

Sau hơn 30 năm phát triển khu công nghiệp, những ngành sử dụng nhiều lao động để làm ra sản phẩm gây nhiều áp lực lên giao thông, y tế và giáo dục thành phố.

Khoảng 16h30, nhà máy Pou Yuen (sản xuất giày da) với hơn 50.000 công nhân, đông nhất TP HCM tan ca. Các con đường A, số 7, quốc lộ 1A bao quanh công ty bắt đầu chật cứng người. Công nhân tỏa ra, đi về phía các khu trọ xung quanh. Nhiều người tranh thủ mua thức ăn ở chợ tự phát gần nhà máy khiến một số đoạn đường ùn tắc.

Tại cổng chính nằm trên tuyến quốc lộ, hơn 300 xe buýt xếp hàng lăn bánh, đưa khoảng 13.500 công nhân ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang trở về nhà. Gần một giờ sau thời điểm nhà máy tan ca, khu vực quanh Công ty Pou Yuen mới thưa người.

Công nhân Pou Yuen xếp hàng dài chờ qua hầm chui Tân Tạo sau khi tan ca. Ảnh: Hữu Khoa

Công nhân Pou Yuen xếp hàng dài chờ qua hầm chui Tân Tạo sau khi tan ca. Ảnh: Hữu Khoa

Sau 27 năm hoạt động, Pou Yuen cùng với Khu công nghiệp Tân Tạo (thành lập năm 1997) khiến dân số Bình Tân tăng chóng mặt, trung bình 20% mỗi năm, đa số là tăng cơ học. Với hơn 800.000 người, Bình Tân là quận đông dân thứ hai ở thành phố, chỉ xếp sau TP Thủ Đức. Mức tăng dân số gấp 1,5 lần so với quy hoạch khiến cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế của địa phương chịu nhiều áp lực.

Đơn cử, năm học 2021-2022 Bình Tân có gần 140.000 học sinh 3-18 tuổi, cần khoảng 4.200 lớp học, song địa phương mới có 3.700 lớp. Tốc độ xây trường không theo kịp tốc độ tăng dân số khiến quận khó khăn về phòng học, sĩ số học sinh đông, vượt quá quy định. Cụ thể, cấp tiểu học ở quận hiện 41 học sinh mỗi lớp, trong khi chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35.

Phó chủ tịch phụ trách đô thị quận Bình Tân Vũ Chí Kiên nói các khu công nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho quận trong 20 năm qua, nhưng cũng làm phát sinh những vấn đề về môi trường, xã hội và giao thông. Tốc độ tăng dân số cơ học cao khiến hạ tầng trường học, y tế, giao thông, công viên cây xanh của địa phương ngày càng quá tải. Trường hợp xảy ra khủng hoảng bất thường như Covid-19 khiến người dân nơi đây càng dễ bị tổn thương.

“Chúng tôi hiểu xu hướng phát triển đô thị tất yếu phải đưa các khu công nghiệp thâm dụng lao động ra khỏi khu dân cư hiện hữu”, ông nói và cho biết Bình Tân dự báo quy mô dân số đến 2040 là 1,2 triệu và 2060 là 1,6 triệu người. Từ đó quận đề xuất UBND TP HCM cho phép chuyển đổi chức năng của các khu công nghiệp hiện hữu thành các khu đô thị sáng tạo có hàm lượng sản xuất công nghệ cao kết hợp thương mại dịch vụ, văn hóa.

“Các khu công nghiệp khoảng 20 năm nữa hết hạn thuê đất, nên ngay từ bây giờ quận cần chủ động xác định tầm nhìn chuyển đổi thay vì chờ đến hết hạn thuê đất mới tính phương án”, Phó chủ tịch quận Bình Tân nói.

Mong muốn di dời nhà máy thâm dụng lao động ra xa trung tâm của Bình Tân cũng là định hướng chung của TP HCM khi xây dựng đề án phát triển các khu chế xuất và công nghiệp giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến 2050.

May mặc là ngành thâm dụng lao động. Công nhân làm việc tại xưởng may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

May mặc là ngành thâm dụng lao động. Công nhân làm việc tại xưởng may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài áp lực cơ sở hạ tầng do gia tăng dân số, việc chuyển đổi, di dời còn đến từ yếu tố các khu công nghiệp ở TP HCM bộc lộ hạn chế khi thu hút vốn đầu tư ngày càng giảm. Hiệu quả sử dụng đất cũng chưa cao khi tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên mỗi ha đất công nghiệp đã cho thuê là 6,23 triệu USD, mức này hiện thấp hơn Đồng Nai (8,7 triệu USD/ha).

Trưởng ban quản lý Khu chế xuất – công nghiệp thành phố (Hepza) Hứa Quốc Hưng nói ở giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư. Thời gian qua, các khu công nghiệp của thành phố giảm hấp dẫn về chính sách ưu đãi, hạ tầng chưa đồng bộ, giá cho thuê đất, nhân lực, thiếu quỹ đất vì khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Số liệu của Hepza cho thấy các ngành được coi là thâm dụng lao động như may mặc đang chiếm tỷ trọng lao động cao nhất, gần 41%, nhưng chỉ đóng góp 11,3% tỷ trọng vốn đầu tư. Trong khi ngành điện tử, viễn thông, tin học có tỷ trọng vốn đầu tư cao hơn 1,3 lần thì số lao động chỉ bằng 1/3 so với may mặc. Các ngành cơ khí, thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su cũng có tỷ trọng vốn cao hơn tỷ trọng lao động.

Vì vậy, định hướng của thành phố là giảm dần ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên. Các dự án này sẽ không được gia hạn thời gian hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất nếu doanh nghiệp không chuyển đổi công nghệ, sử dụng nhiều lao động.

Thay vào đó, thành phố muốn phát triển các khu này theo hướng khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao. Mục tiêu là tăng tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên mỗi ha đất lên 15 triệu USD vào 2025, tăng 2,4 lần so với hiện nay. Các khu công nghiệp mới đang hoàn thiện thủ tục sẽ được xây dựng theo mô hình sinh thái, hỗ trợ, công nghệ cao hoặc đô thị – dịch vụ để nâng giá trị.

Theo quy hoạch đến năm 2020, TP HCM có 23 khu chế xuất, công nghiệp với tổng diện tích gần 6.000 ha. Đến nay, 17 trên tổng số 19 khu được thành lập đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%; hai khu còn lại chưa hoạt động. Các khu chưa cho thuê đất sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo định hướng mới. Ở những khu đang hoạt động, thành phố sẽ có phương án tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó phòng Quản lý đầu tư của Hepza cho biết năm 2023, Hepza sẽ nâng cao chất lượng thu hút vốn bằng cách xây dựng bộ tiêu chí đầu tư tại các khu công nghiệp; khảo sát nhu cầu tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư tiềm năng.

Bộ tiêu chí này dự kiến có 8 yếu tố gồm: ngành nghề (ưu tiên 4 ngành công nghiệp trọng yếu là chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất – cao su – nhựa; cơ khí; điện tử), suất đầu tư, môi trường, quốc phòng an ninh, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và tác động lan tỏa. Năm tới, Hepza sẽ trình thành phố thông qua đề án thí điểm chuyển đổi 4 khu Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước theo hướng trên.

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Trần Việt Hà, Phó ban Hepza, hiện chi phí lao động ở các khu vực trung tâm TP HCM như quận 7 khá lớn, đánh trực tiếp vào vốn sản xuất của doanh nghiệp. Sau Covid-19, lao động có xu hướng về quê, các nhà máy ở thành phố khó tuyển mới. Do vậy phương án cuối cùng là giữ người có tay nghề làm những công đoạn quan trọng và di dời khối sản xuất về vùng dễ kiếm lao động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tính toán cho thuê hoặc bán đất ở thành phố rồi về tỉnh đầu tư sẽ được nhà xưởng rộng hơn, thuê nhân công chi phí thấp.

“Hepza chỉ khuyến khích cho xu hướng chuyển đổi diễn ra nhanh hơn”, ông Hà nói và cho rằng bất kỳ động thái nào về việc muốn các doanh nghiệp thâm dụng lao động chuyển đi sẽ ảnh hưởng lớn tâm lý nhà đầu tư. Với những doanh nghiệp muốn rời đi, Hepza sẽ hỗ trợ bằng cách giới thiệu địa điểm hoặc làm việc với các địa phương để tạo điều kiện tốt nhất nhà đầu tư khi chuyển đến.

Thu Hằng – Lê Tuyết