Ông Nguyễn Văn Chung, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk.
PV: Xin Chánh án cho biết công tác giải quyết án năm 2024 của TAND tỉnh Đắk Lắk? Theo chánh án kết quả nào ấn tượng nhất và TAND tỉnh đã triển khai, thực hiện như thế nào để đạt được kết quả đó?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo TANDTC, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành tại địa phương; đặc biệt, là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ công chức và người lao động TAND hai cấp, nên đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2024, số lượng các loại vụ, việc mà TAND hai cấp phải thụ lý, giải quyết gia tăng, tổng thụ lý là 14.136 vụ (tăng 16 vụ), giải quyết 13.251 vụ (tăng 62 vụ) so với năm trước, đạt tỷ lệ 94%.
Trong năm qua, ấn tượng nhất là công tác giải quyết các vụ án hành chính, thụ lý 341 vụ việc, giải quyết 335 vụ việc (đạt 98,2%) vượt 33,2% chỉ tiêu đề ra. Để xét xử một vụ án hành chính các Thẩm phán, Thư ký phải thu thập hồ sơ, chứng từ, các tài liệu của các cơ quan hành chính liên quan đến vụ án trong thời gian khá dài, mà tỷ lệ giải quyết cao như vậy chứng tỏ đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn cao, anh em rất “chắc nghề”, đây là kết quả ngoài mong đợi.
Điều đáng tự hào nữa là tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán là 0,92%, đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
PV: Chánh án đánh giá thế nào về mức độ hoàn thành các mục tiêu mà Tòa án đã đặt ra từ đầu năm? Những khó khăn, thách thức mà đơn vị phải đối mặt trong quá trình giải quyết vụ án là gì?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Có thể thấy, trong năm qua số lượng các loại vụ, việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự trật tự an toàn xã hội, xâm hại tình dục trẻ em, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các tội phạm liên quan đến chức vụ…. Tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh nhiều khó khăn mới, nhất là các vụ tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc tại địa phương còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý.
Tập thể TAND tỉnh Đắk Lắk luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp còn phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai thực hiện nền tảng số về quản lý hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về Tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động TAND…
Thế nhưng, qua sơ bộ kết quả sau ngày 30/9, có thể thấy một số công tác đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đầu năm đã đặt ra. Có thể khẳng định rằng, TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk luôn đoàn kết, nỗ lực và cống hiến trong công việc, có trách nhiệm với nghề, với nhân dân. Đây là động lực phấn đấu, sự phấn khởi của các đơn vị, nhưng cũng là áp lực công tác cho những năm tiếp theo.
PV: Chánh án có thể chia sẻ những đổi mới, cải tiến nào đã được áp dụng để nâng cao hiệu quả chất lượng xét xử và giải quyết vụ án?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Xác định việc nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp như:
Tăng cường áp dụng pháp luật thống nhất, đây là giải pháp rất quan trọng. Có thể nói rằng đây là giải pháp then chốt giúp TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi vì, nhận thức thống nhất thì áp dụng pháp luật mới thống nhất và khi áp dụng pháp luật thống nhất thì hạn chế thấp nhất tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, tăng tỷ lệ giải quyết án.
Định kỳ hàng năm, TAND tỉnh tổ chức 02 đợt tập huấn nghiệp vụ, triển khai các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đánh giá tổng kết vướng mắc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải đáp. Những khó khăn, vướng mắc của cấp huyện sẽ được tổng hợp và giải đáp tại kỳ họp giao ban quý, chấn chỉnh những sai sót trong hoạt động giải quyết vụ việc; tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn chuyên đề án tạm đình chỉ, án quá hạn…
Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, để thực hiện tốt giải pháp này, TAND tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị Tòa án trong tỉnh tổ chức các phiên tòa bảo đảm các nguyên tắc tố tụng, đặc biệt là nguyên tắc tranh tụng. Việc tranh tụng tại phiên tòa luôn khách quan, công bằng, dân chủ và minh bạch, không được thiên vị và định kiến, phán quyết trên cơ sở quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp cũng là một giải pháp hết sức quan trọng, giúp các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên nâng cao về trình độ, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, kỹ năng ứng xử tại phiên toà. Đồng thời, thông qua phiên tòa giúp tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký, từ đó chất lượng tổ chức các phiên tòa ngày càng được nâng lên. Nên trong năm 2024, TAND hai cấp tỉnh đã tổ chức 324 phiên tòa xét xử trực tuyến, trong đó có 88 phiên tòa có VKS cùng cấp tham gia rút kinh nghiệm, 35 phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm 2 cấp, 01 phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm với các tỉnh trong khu vực….
Áp dụng pháp luật thống nhất là giải pháp then chốt giúp TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PV: TAND tỉnh đã có những biện pháp gì để tăng cường sự minh bạch, công bằng trong hoạt động xét xử và đảm bảo quyền lợi của người dân, thưa Chánh án?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Trong thời gian qua, hệ thống Tòa án nói chung cũng như TAND hai cấp nói riêng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo điều kiện để kiểm soát quyền lực, đồng thời, đề cao trách nhiệm của Thẩm phán trong thực hiện quyền tư pháp.
Công khai các thủ tục hành chính tư pháp tại trang thông tin điện tử, bảng thông báo của đơn vị, để mọi người dân được biết và tra cứu. Phân công lịch tiếp công dân định kỳ và thường xuyên để hướng dẫn đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó giúp người dân giám sát đối với cán bộ Tòa án tốt hơn.
Thực hiện công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của Tòa án; công khai quá trình xét xử tại phiên tòa; công bố bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thông qua đó tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử, có ý kiến phản hồi tích cực cũng như ý kiến xây dựng các bản án, quyết định của Tòa án.
PV: Xin Chánh án cho biết trong năm tới, TAND tỉnh sẽ có những mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể nào để tiếp tục duy trì và phát huy thành tích đã đạt được?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Kế thừa những kết quả đã đạt được trong năm qua, năm 2025 để tiếp tục thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu công tác. Với phương châm mà đồng chí Chánh án TANDTC đặt ra là “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, trong thời gian tới TAND hai cấp tiếp tục xây dựng những mục tiêu, kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để tiếp tục duy trì và phát huy thành tích đã đạt được. Do vậy, TAND hai cấp cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, chú trọng tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội, công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện công tác giám sát Thẩm phán, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định; tiếp tục đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các Tòa án.
Thứ tư, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Kiến nghị TANDTC tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!