An Giang chủ động ứng phó với sạt lở

An Giang chủ động ứng phó với sạt lở

Biên phòng – Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2015, tỉnh An Giang đã phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện quan trắc, đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở. Nhờ sự chủ động đó, địa phương này đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản của người dân.


Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang và người dân tại địa phương di dời nhà từ khu vực có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới. Ảnh: Chiến Khu

Hơn 5.000 hộ dân cần di dời khẩn cấp

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn có 4 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra là lũ lụt, xói lở, sạt lở bờ sông, giông lốc xoáy và hạn hán, nắng nóng. Trong đó, tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại rất lớn như năm 1988 – vụ sạt lở lịch sử ở Tân Châu đã làm 22 người chết, 7 người mất tích.

Trong năm 2022, toàn tỉnh An Giang xảy ra 68 điểm sạt lở, sụt lún và rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 3.270m, ảnh hưởng đến 40 căn nhà, tăng 25 điểm sạt lở so với năm 2021.

An Giang là tỉnh ở đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều sông, kênh, rạch. Đặc điểm địa chất yếu, thiếu hụt nguồn phù sa và sự gia tăng của lưu tốc dòng chảy, hạ thấp lòng dẫn và hạ thấp mực nước đã làm gia tăng sạt lở ở An Giang cả về quy mô và tần suất. Trước thực trạng trên, tỉnh An Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, quy hoạch, phân vùng các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Qua việc nghiên cứu, phân vùng đó, địa phương này đã phát hiện 56 điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 181km đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn. Ước tính có khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở, trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với tình trạng sạt lở, ông Trần Anh Thư cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm và đo đạc, phối hợp hỗ trợ địa phương khảo sát, báo cáo sạt lở đột xuất tại 20 điểm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cảnh báo kịp thời cho địa phương và nhân dân trong vùng biết nguy hiểm. Cùng với đó, cứ sau một mùa lũ qua, chúng tôi sẽ quan trắc, đo đạc lại. Với việc làm này, chúng tôi sớm phát hiện các các khu vực có nguy cơ sạt lở trong năm đó và sẽ thông báo, cảnh báo ở 2 cấp độ. Với vùng có nguy cơ đặc biệt nguy hiểm, chúng tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có tổ chức di dời người dân. Với những vùng có nguy cơ thấp hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục quan trắc, theo dõi để đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân”.

Trên cơ sở kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở, tỉnh An Giang đã thực hiện cắm mốc trên thực địa khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở (khu vực nguy hiểm và khu vực an toàn) cho các đoạn được cảnh báo. Đồng thời, tất cả các đoạn cảnh báo sạt lở và thông số cảnh báo của 56 đoạn cảnh báo sạt lở này được thể hiện trên web tại địa chỉ https://satlo.angiang.gov.vn để các ngành, địa phương và người dân biết chủ động cộng tác phòng tránh. Địa phương này cũng tổ chức cắm 186 biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực sạt lở, để tuyên truyền và cảnh báo người dân trong vùng.

“Việc quan trắc, cảnh báo sớm đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác ứng phó với sạt lở. Từ năm 2010 cho tới nay, An Giang đã xảy ra 564 vụ sạt lở lớn nhỏ nhưng không có thiệt hại về người” – ông Trần Anh Thư chia sẻ.

Chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng ứng phó

Chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở, tỉnh An Giang đã và đang triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến sạt lở phục vụ công tác phòng ngừa và ứng phó như: Áp dụng mô hình TELEMAC 3D để mô phỏng dòng chảy và vận chuyển trầm tích tại khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao; khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và các giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn; nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang.


Khu vực bị sạt lở ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Chiến Khu

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả quan trắc, tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch dự phòng ứng phó, chủ động phương án tìm kiếm cứu nạn, trong đó bố trí lực lượng xung kích ứng phó, hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, tài sản. Theo đó, khi có dấu hiệu sạt lở xảy ra trên địa bàn, cấp huyện, cấp xã chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó. Trong đó, huy động lực lượng tại chỗ sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tổ chức xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở…

An Giang cũng tranh thủ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đầu tư các cụm, tuyến dân cư để phục vụ di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở. Đồng thời, chủ động huy động nhiều nguồn lực để thực hiện gia cố đê bao, bờ bao do ảnh hưởng sạt lở và kè xử lý sạt lở bờ sông Châu Đốc, rạch Ông Chưởng, rạch Chắc Cà Đao… và thực hiện các dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở. Bố trí nguồn quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn khác để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở xây dựng lại nhà ở khi di dời đến nơi ở mới.

Nhờ chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, mặc dù tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, ảnh hưởng nhiều hộ dân và ngày càng phức tạp, nhưng không gây thiệt hại đến tính mạng người dân.

Xuân Hương