Chồng mất sớm, bà Lụa một mình nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Bà Lụa có để dành được một khoản tiền 600 triệu đồng. Nay, thấy tuổi càng cao, sức khỏe không được tốt nên bà dự định sẽ lập bản di chúc để phân chia số tài sản trên
cho các con sau khi bà chết. Bà có nhờ người đánh máy bản di chúc và nhờ bà Minh và ông Độ là hàng xóm làm chứng cho việc lập di chúc. Đề nghị cho biết: Bà Mai và ông Độ có thể làm chứng cho việc lập di chúc của bà Lụa không?
Trả lời:
– Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
– Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thừa kế: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
– Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hình thức của di chúc như sau:
“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.
– Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:
“1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.
– Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong trường hợp này thì bà Mai và ông Độ là hàng xóm của bà Lụa, không thuộc các trường hợp: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc hoặc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì bà Mai và ông Độ có thể làm chứng cho việc lập di chúc của bà Lụa.
Đỗ Như Quỳnh