Khuyến khích trẻ em làm việc tốt như tham gia trò chơi

Khuyến khích trẻ em làm việc tốt như tham gia trò chơi

Chương trình có sự chủ trì của ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang.

Làm việc tốt, tập sống làm người lương thiện

Chương trình tọa đàm tổ chức đúng dịp 60 năm ra đời phong trào “Nghìn việc tốt”, thực sự là cuộc hội ngộ, kết nối của nhiều thế hệ thiếu nhi từng tham gia, trưởng thành từ phong trào này; qua đó gợi mở nhiều ý tưởng, giải pháp cho công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi giai đoạn hiện nay.

Trực tiếp tham gia phong trào từ những ngày đầu phát động tại Trường cấp 2 Tam Sơn (nay thuộc TP.Từ Sơn, Bắc Ninh), GS-TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Tổng thư ký Hội Vật lý VN, kể lại phong trào ra đời một cách rất tự nhiên, giản đơn.

Khuyến khích trẻ em làm việc tốt như tham gia trò chơi - Ảnh 1.

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ về lịch sử phong trào “Nghìn việc tốt” với các đại biểu dự tọa đàm

Theo ông Thắng, thiếu nhi ngày ấy tham gia phong trào rất vô tư, tự giác và hồn nhiên như được tham gia một trò chơi lớn mà ai tham gia đều là người thắng cuộc; vì làm việc tốt chính là làm việc thiện, đơn giản là làm tốt những công việc thường nhật như: đi học đúng giờ, làm hết bài tập về nhà, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, tích cực diệt ruồi, tự giác đánh răng rửa mặt hằng ngày, chăm chỉ nấu cơm rửa bát quét nhà giúp bố mẹ, thứ bảy hằng tuần ra quét đường làng, vệ sinh thôn xóm…

“Có lẽ phong trào “Nghìn việc tốt” không tạo nên nhiều anh hùng, nhiều danh nhân, nhiều giáo sư tiến sĩ, nhưng nó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi người, giúp chúng tôi tập sống làm người lương thiện trước khi bước vào đời”, ông Thắng đúc kết.

Nhấn mạnh phong trào “Nghìn việc tốt” gặt hái được những thành quả rất đáng tự hào trong sự nghiệp bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ của đất nước trong 60 năm qua, ông Nguyễn Tự Lập, nguyên Trưởng ban Nghệ thuật quân sự, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, nguyên Liên đội phó Trường cấp 2 Tam Sơn, bày tỏ suy nghĩ trăn trở về công tác giáo dục thiếu nhi hiện nay. Thực tế có khá nhiều nhà trường, cấp học xem nhẹ môn lịch sử hoặc buông bỏ, trong khi lịch sử là nhắc nhở, khơi dậy truyền thống dựng nước, giữ nước, niềm tự hào của quê hương, đất nước, dân tộc.

Cũng theo ông Lập, một vấn đề thực sự báo động ngày nay là trẻ em đang bị lôi kéo, cuốn hút, mất nhiều thời gian, thậm chí là “nghiện” trò chơi trên máy tính, điện thoại thông minh… dẫn đến sa sút về sức khỏe, trí tuệ. Để “kéo” các em đến với các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, ông Lập mong muốn công tác Đội trong nhà trường tạo ra nhiều sân chơi thể dục thể thao, diễn đàn thực sự hứng khởi thu hút các em tham gia, thúc đẩy tính tư duy sáng tạo, hạn chế những tư duy sai lệch, tiêu cực, tính ích kỷ, trầm cảm, tự kỷ… đang ngày càng xuất hiện nhiều trong giới trẻ.

MỖI NGÀY LÀM VIỆC TỐT

Em Võ Lê Thục Anh, Phó chủ tịch Hội đồng trẻ em Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, cho rằng với phong trào “Nghìn việc tốt”, mỗi bạn thiếu nhi không phải phấn đấu trở thành một học sinh giỏi, không cần phải có năng khiếu, không phân biệt độ tuổi cũng có thể làm việc tốt mỗi ngày, từ những việc rất nhỏ trong quá trình học tập, rèn luyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… Qua những việc làm này, mỗi bạn trẻ sẽ cảm nhận được ý nghĩa về lòng nhân ái, về sự trưởng thành thật sự khi có thể giúp đỡ người khác bằng đôi tay, suy nghĩ của mình.

GS-TS Nguyễn Toàn Thắng cũng cho rằng từ thực tiễn của phong trào “Nghìn việc tốt” càng khẳng định rằng sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cần sự đồng bộ nhất quán của nhà trường, gia đình và xã hội. Các thầy cô giáo, bậc phụ huynh, các tổ chức xã hội là những người chủ động định hướng, tổ chức và dẫn dắt các hoạt động học tập văn hóa và giáo dục nhân cách cho trẻ thơ. Bên cạnh đó, những người lớn xung quanh trẻ em phải là những tấm gương để thiếu nhi ấy noi theo.

“Chúng ta khó có thể động viên trẻ em làm việc tốt nếu những người lớn xung quanh không cư xử như những người tốt”, ông Thắng nói.

Tác giả của phong trào “Nghìn việc tốt” – Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn – khẳng định 60 năm qua, phong trào “Nghìn việc tốt” đã trở thành biểu tượng niềm tin của giáo dục, nếp văn hóa, lối sống đẹp của thiếu nhi VN. Để phong trào tiếp tục lan tỏa, ông Thìn kiến nghị các nhà trường quan tâm bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách Đội phải là nhạc trưởng về các hoạt động tập thể, thu hút thiếu nhi tham gia để rèn luyện, phát huy trí tuệ, thể lực của thiếu nhi; biểu dương kịp thời người tốt, việc tốt để khuyến khích các em làm nhiều việc tốt.

Tổng kết tại buổi tọa đàm, chị Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh phong trào “Nghìn việc tốt” thực sự là phong trào thi đua yêu nước, thắp lửa nhân ái của thiếu nhi VN. Theo đó, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chọn triển khai phong trào “Thiếu nhi VN thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” để tiếp nối giá trị, ý nghĩa của phong trào “Nghìn việc tốt” và xác định đây là “xương sống”, “kim chỉ nam” xuyên suốt trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Chị Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định Hội đồng Đội T.Ư tiếp tục phát triển ứng dụng di động “Em làm việc tốt” để đổi mới phương thức tuyên truyền, lan tỏa tinh thần làm việc mỗi ngày vào suy nghĩ, hành động và trở thành lối sống đẹp trong mỗi thiếu nhi VN.