Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình

Biên phòng – Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai nhiều mô hình, hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, mang lại nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.


Hỗ trợ phát triển sản phẩm “Mắm bò hoóc ốp cá trê vàng” trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Hồng Diễm

Từng là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của thành phố Sóc Trăng, cuộc sống bấp bênh, phải đi làm thuê kiếm sống, vợ chồng chị Lý Thị Thu Hiền, người dân tộc Khmer ở khóm 1, phường 10, thành phố Sóc Trăng luôn tích cực lao động, không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi bò sữa. Hiện, với mô hình chăn nuôi bò sữa này, chị thu về lợi nhuận trên 20 triệu đồng/tháng.

Được biết, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống 2 vợ chồng chị Hiền gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống, vợ chồng chị Hiền đã đầu tư vào chăn nuôi bò sữa. Khi ấy, chăn nuôi bò sữa đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, nhiều người dân địa phương làm giàu thành công từ mô hình này. Với số vốn tích lũy được, vợ chồng chị Hiền quyết định đầu tư mua 2 con bò sữa về nuôi. Ban đầu, chăn nuôi bò sữa cũng gặp nhiều khó khăn vì vợ chồng chị chưa có kinh nghiệm. Song, nhờ chịu khó học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó, chị Hiền áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình, nên đàn bò không ngừng phát triển, nhân đàn và đem lại thu nhập cao, kinh tế gia đình cũng bắt đầu phát triển ổn định.

Cơ hội phát triển mô hình chăn nuôi đến với chị Hiền khi được Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng chọn hỗ trợ 2 con bò sữa, hỗ trợ vay vốn xây dựng chuồng trại, biogas để mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, chị Hiền đã đầu tư xây dựng xong chuồng trại thông thoáng, đúng kỹ thuật. Chị còn đầu mua máy vắt sữa, máy cắt cỏ, băm cỏ và thuê 10 công đất để trồng cỏ. Nhờ vậy mà mô hình chăn nuôi không ngừng phát triển và cho hiệu quả ổn định.

Nhờ quy trình lấy sữa đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua nên sữa bò của chị Hiền luôn bán được giá cao với 14.000 đồng/kg. Chị Hiền nhẩm tính, sau khi trừ chi phí chăn nuôi xong, mỗi tháng, chị thu về lợi nhuận trên 20 triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, chị còn có thêm nhiều con bò cái đang mang thai gần đẻ. Nhờ nuôi bò sữa mà giờ đây, cuộc sống gia đình chị Hiền khá giả hẳn lên. Chị đã mua thêm đất, mở rộng chuồng nuôi và 10 công đất ruộng để trồng lúa. Chị Hiền tâm sự, sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi trong thời gian tới. Gia đình chị Hiền cũng là một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu trong dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh.

Còn chị Thái Thị Ngọc Thêm, ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị trước nay chưa từng nghĩ nghề làm mắm của gia đình có thể trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhưng từ khi tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ, được các chị động viên, hỗ trợ, chị đã mạnh dạn đầu tư để phát triển sản phẩm “Mắm bò hoóc ốp cá trê vàng” theo hướng OCOP của địa phương. “Hiện, tôi là Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp và được ngành nông nghiệp hỗ trợ 50% con giống cá trê vàng, còn lại 50% gia đình bỏ vốn đầu tư để nuôi. Với diện tích ao gần 1.000m2, nuôi khoảng 100kg cá giống, sau hơn 2 tháng, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1 tấn cá. Sản lượng cá thu được, gia đình tôi để làm sản phẩm “Mắm bò hoóc ốp cá trê vàng” theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Nhờ đó, gia đình tôi có thể tăng thêm thu nhập và cải thiện kinh tế gia đình, nuôi dạy con học tốt hơn” – chị Thêm phấn khởi chia sẻ.

Với sự trợ lực, hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp với đam mê của mình, phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển.


Tham quan làng nghề đan mây tre của chị em phụ nữ ở huyện Châu Thành. Ảnh: Hồng Diễm

Chị Trần Thị Thúy Hà, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giúp đỡ và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay ưu đãi của Dự án Khởi nghiệp phụ nữ tỉnh, chị mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi heo. Chị Thúy Hà cho biết: “Chúng tôi chăn nuôi heo đã hơn 10 năm nay, nhưng thiếu vốn để mở rộng mô hình. Đến khi vay được số tiền 20 triệu đồng, tôi tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi heo”.

Ngoài nuôi heo thịt, trong các chuồng nuôi heo của gia đình chị Hà lúc nào cũng có từ 3 – 4 con heo nái sinh sản, mỗi con có trọng lượng từ 150-200kg. Mỗi năm, 1 con heo nái sinh sản được 2 lần và 1 lần đẻ được từ 10 – 12 con heo giống. Trên thị trường hiện nay, 1 con heo giống bán với giá từ khoảng 1,2 triệu đồng trở lên. Chỉ tính riêng tiền bán heo con giống, 1 năm, chị Hà cũng thu nhập được vài chục triệu đồng.

Bà Châu Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: “Đối với việc triển khai Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và 100% cơ sở vận động hỗ trợ 51 chị khởi nghiệp với những mô hình: rau sạch, chăn nuôi vịt, buôn bán, mô hình chăn nuôi gà, bò, trồng rau, củ sạch, nạo dừa, mua bán, bán thuốc tây, vắt nước cốt dừa bằng máy, trồng lúa, trồng bắp, ươm các loại cây giống, shop quần áo…”.

“Nhằm giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã huy động nguồn vốn tại chỗ bằng cách thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm và vốn vay, phụ nữ tiết kiệm tín dụng tại các xã, thị trấn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn; duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, các tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình hiệu quả” – bà Châu Hồng Hoa thông tin.

Hồng Diễm