Biên phòng – Đó là ngôi làng còn giữ lại được nhiều nét nguyên sơ nhất của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng). Khi sắc Xuân phủ xuống, ngôi làng hiện lên yên bình trong sương, trong nắng dịu lành mời gọi nhiều người.
Những nếp nhà sàn bình dị ở Kon Pring. Ảnh: Tiêu Dao
Ở trên miền Măng Đen
Nhiều người có lẽ sẽ phải ngẩn ngơ khi đến làng Kon Pring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vào mùa Xuân với vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Làng Kon Pring nằm dọc theo quốc lộ 24, giáp ranh với thôn Măng Đen. Được UBND tỉnh Kon Tum công nhận vào tháng 11/2018, từ đó đến nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, trước đây là xã Đắk Long, huyện Kon Plông) là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Làng có diện tích tự nhiên 700ha, trong làng hiện có 67 nóc nhà với 250 nhân khẩu, trong đó, người Mơ Nâm chiếm gần 100% dân số, người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy. Nhưng điều khiến mọi người thích thú, đó là ngôi làng cổ này còn gìn giữ được các bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng trong từng mái nhà, như việc làm rượu cần truyền thống, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình, hay chế biến và sử dụng các thực phẩm đặc sản có trong tự nhiên hoặc người dân sản xuất, cùng với đó là các hoạt động văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, múa xoang và nhiều lễ hội truyền thống khác vẫn được duy trì thường xuyên.
Mỗi khi mùa Xuân đến, làng Kon Pring lại khoác lên mình “chiếc áo” đẹp nhất, rạng ngời nhất với màu trắng hoa mận, hoa mơ cùng với màu hồng của hoa đào, xen lẫn màu lam của hoa cẩm tú cầu. Nằm trong một thung lũng nhỏ, cùng với đó là hệ thống sông suối chảy qua làng làm phong phú thêm địa hình của Kon Pring với cảnh quan đồi núi, rừng cây và những ruộng lúa, nương rẫy bậc thang thơ mộng đẹp mê hồn.
Nhiều người khi muốn bỏ qua những ồn ào náo nhiệt nơi phố thị, họ đã tìm về với làng Kon Pring để hòa mình vào thiên nhiên, hưởng thụ những cảnh đẹp nơi đây, sống chậm một chút và nghe lòng lắng lại. Những điều kiện tự nhiên cũng như con người như kể trên đã giúp Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring là một trong những điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến xứ sở này. Chẳng thế mà làng Kon Pring là một trong 4 ngôi làng của tỉnh Kon Tum được chọn để định hướng phát triển du lịch cộng đồng.
Thực hiện đề án của huyện Kon Plông về phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng cho Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn và 3 hộ dân xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức “homestay” để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc.
Du khách khi đến với Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring thường tham quan, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với người bản địa. Họ thích không khí được hòa mình vào những màn diễn xướng, cồng chiêng truyền thống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Để phục vụ khách du lịch, đòi hỏi thôn, làng phải duy trì đội cồng chiêng, múa xoang và thường xuyên luyện tập. Người lớn có trách nhiệm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Dọc theo từng con đường làng là những nếp nhà sàn bình dị, là những cây hoa mua khoe sắc tím biêng biếc như tô điểm thêm sắc màu cho Kon Pring trong buổi sáng ngày Xuân. Bên làng, cách mấy căn nhà sàn không bao xa, người dân vừa chuyện trò rôm rả, vừa cuốc xới, cày ải từng khoảnh ruộng với mong ước vụ Đông Xuân tới lúa tốt bời bời. Mấy em nhỏ chạy nhảy tưng bừng trước sân nhà, tiếng cười trong veo của chúng vang xa, khiến cho không gian tĩnh lặng của làng thêm sống động. Tiếng cười như kéo nhiều người lại gần. Những gương mặt hồn nhiên pha chút bẽn lẽn, thẹn thùng, những đôi mắt to tròn, trong trẻo, lại thêm những đôi má ửng đỏ bồ quân của các em nhỏ khiến cả góc sân như bừng sáng.
Lợi ích “kép” từ phát triển du lịch
2 năm dịch Covid-19 đã khiến ngôi làng trầm buồn hơn, nhưng Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, bà con Mơ Nâm trong làng lại háo hức khi dịch bệnh được đẩy lùi, du lịch được phát triển trở lại. Và đối với người Mơ Nâm trong làng, có lẽ chưa có Tết năm nào vui mừng như năm nay. “Hết dịch bệnh rồi không vui mừng sao được, vì năm nay có nhiều du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước ghé thăm, thưởng thức rượu cần và những món ẩm thực truyền thống của người dân trong làng. Và bên cạnh niềm vui được quen biết nhiều du khách thì thu nhập của gia đình mình tăng lên đáng kể” – già làng A Lum, ở làng Kon Pring cười mộc mạc.
Già A Lum có thu nhập ổn định bình quân từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng từ mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Tiêu Dao
Bà Y Lim, Nghệ nhân Ưu tú ở làng Kon Pring chia sẻ: “Trước khi đăng ký làm du lịch cộng đồng, các hộ dân trong làng được chính quyền địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn tổ chức tham quan học hỏi cũng như hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để phục vụ khách du lịch. Theo đó, số tiền thu được, các hộ gia đình được hưởng lợi 50%, phía công ty được hưởng 40%, còn lại 10% đóng vào quỹ của Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng Kon Pring để sử dụng chung”.
Thông qua việc đón du khách, bà Y Lim có được khoản thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ giúp gia đình bà cũng như người dân trong làng có cuộc sống ổn định hơn, mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà Y Lim – một trong 3 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn làm nơi lưu trú cho khách du lịch ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring cho biết, đối với homestay của gia đình, trung bình mỗi tháng gia đình bà đón từ 3-4 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10-20 người.
Một điều mà từ trước tới nay, người Mơ Nâm trong làng chưa bao giờ có được, đó là ngoài việc được hưởng lợi nhuận trực tiếp từ việc đón tiếp khách du lịch, thì các sản phẩm thủ công truyền thống khác do người dân trong làng Kon Pring làm ra đều được công ty bao tiêu để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, nhiều người dân trong làng Kon Pring làm du lịch có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, những quyền lợi dân làng được hưởng chính từ mô hình du lịch cộng đồng lần đầu tiên được triển khai tại địa phương với cách làm bài bản này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, làng đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng dân làng. Bên cạnh thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng với những điệu múa, khúc hát của người Mơ Nâm bản địa.
Tiêu Dao