Rầu lo vì con lớn nhưng không chịu đi làm

đi làm - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Có tuổi lại không biết chuyển khoản online nên cứ cuối tháng, bà Võ Thắm (58 tuổi, quê Tiền Giang) đạp xe đến ngân hàng cách nhà hơn bốn cây số. Người không biết tưởng bà đi lãnh tiền hưu, còn người tỏ tường mới biết bà gửi tiền cho con trai 24 tuổi đang đi làm trên Sài Gòn.

Hằng tháng gửi tiền cho con

Gương mặt hằn nét lo toan, bà Thắm kể bà thôi chồng từ lúc đứa con út chưa tròn 1 tuổi, một thân một mình bà đem hai đứa con về nhà ngoại tá túc. Để có đồng ra đồng vô nuôi con, bà ngược xuôi làm đủ việc như buôn cám heo, đan đệm… Mãi đến gần 5 năm sau, bà mới được chia đất, dựng mái nhà riêng.

Năm bà gả con gái lớn cũng là lúc con trai út vào đại học. Bà tự nhủ gắng gượng thêm bốn năm nữa là được nghỉ ngơi tuổi già. 

“Ngày nó ra trường tôi mừng vì tưởng đã lo xong cho con. Nhưng hai năm nay tháng nào cũng phải gửi thêm tiền lên thành phố cho nó, tôi mệt mỏi lắm nhưng buông thì không đành”, bà nói.

Tủi phận mình, bà nói giọng buồn buồn: “Mấy bà hàng xóm vậy mà có phước. Tháng nào mấy đứa con cũng gửi về 3 – 4 triệu xài, còn tôi gần 60 tuổi rồi còn phải nai lưng đi làm vừa nuôi thân, vừa gánh thêm thằng con”.

Nhưng khi hàng xóm an ủi, bà vội vàng bào chữa cho con: “Nó mới ra trường hai năm, nghỉ làm liên tục nên lương lậu không ổn định. Nội tiền nhà trọ hơn ba triệu rưỡi rồi, tôi phải phụ thêm thì nó mới sống ổn ở trên trển”. 

Hàng xóm tỏ thái độ ngán ngẩm, bà chuyển sang bênh con: “Mình ở quê có ít xài ít, có nhiều xài nhiều, rau rác qua ngày no bụng được. Còn ở thành phố ra đường là tốn tiền, nên thôi lỡ nuôi bốn năm rồi, thêm vài năm nữa không sao”.

Cảnh ngộ tương tự, bà Kim Anh (52 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) trong câu chuyện với người thân khi nhắc đến con gái là thở dài cái sượt. Bà rầu vì không biết làm cách gì cho con chịu đi làm, và nhất là chuyện gì con cũng không tự giải quyết.

Có con khi đã ngoài 30 tuổi và chuyện sinh đẻ khó khăn, vợ chồng bà cưng con như trứng, luôn đáp ứng những đòi hỏi của con. Gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc, thế nhưng con không hiểu điều đó. 

Thương con, bà dấm dúi mua cho xe đạp điện dù ba tháng sau con đòi đổi xe khác, rồi điện thoại đời mới, tiền mua sắm, xem phim…

Trầy trật con học xong phổ thông, vợ chồng bà vừa cho con học nghề cắt tóc, vừa thủ thỉ sẽ gom góp mở cho con cái tiệm nho nhỏ nhàn thân.

“Ai ngờ học giữa chừng con bỏ ngang, mất luôn tiền đã đóng cho người ta. Hai, ba ngày con lại xin tiền đi trà sữa, mua đồ trên mạng. Nói to nói nhỏ, khuyên tới khuyên lui rằng con phải có việc làm, còn lo liệu tương lai, nhưng con tôi vẫn như đứa trẻ vô lo vô nghĩ”, bà nói.

Con ơi, bao giờ con tự lập…

Công ăn việc làm là một trong những thứ đảm bảo sự ổn định đời người. Thế nhưng với Văn Huy và Thu Hà (26 tuổi, quê Lâm Đồng), thời gian đầu họ chăm chú tận hưởng cuộc sống vợ chồng son khi mọi thứ có cha mẹ lo liệu.

Cả hai quen nhau từ thời sinh viên. Gia đình Huy có tiệm vàng ở quê, còn Hà gia đình cũng khá giả. Ngược ngạo là tình yêu giữa họ càng sâu đậm, khăng khít thì các bậc phụ huynh càng lo lắng bởi cả hai không có việc làm ổn định.

Ráng lắm Huy mới ra trường, trình ăn chơi thì thượng thừa, Hà phải giấu cha mẹ điều này nhưng giấy đâu gói được lửa. Kể cả những lần Hà chạy đôn chạy đáo chuộc xe, trả nợ quán nhậu… cho người yêu.

Kẻ đang yêu thường thích làm theo ý mình. Can ngăn không xong, cha mẹ Hà lên phương án cho con du học để tách cặp uyên ương nhưng bất thành. 

“Lúc đầu chúng tôi lấy lý do năm nay cưới không tốt nhưng không thắng được lý lẽ tụi nó. Lái qua chuyện công ăn việc làm chưa có thì hai đứa nói từ từ sẽ có, bất quá thì mở cơ sở làm ăn riêng”, mẹ Hà thở dài.

Cưới xong, cả hai ở nhà Hà. Mọi chi tiêu trong nhà đều có cha mẹ lo. Việc nhà có người giúp việc. Ăn sáng xong, họ chở nhau cà phê. Hôm nào có hẹn riêng mạnh ai nấy đi.

Khi cha mẹ Hà ái ngại khơi gợi về công việc, thậm chí nói cả hai về phụ tiệm vàng của cha mẹ Huy, họ đủng đỉnh nói “con đang tìm việc, phải tìm việc nào được được”.

Mẹ Hà ngày càng rầu rĩ, vì thà là hai con ở xa, khuất mắt mình, đằng này ngày nào cũng chứng kiến đủ hỉ nộ ái ố và độ chểnh mảng của “thế hệ trẻ”. Không màng công việc, họ còn nặng nhẹ nhau cả những chuyện như không nhường cục sạc điện thoại, nửa đêm thèm khô mực kêu đi mua thì lăn ra ngủ.

Con ơi, bao giờ con tự lập… Cha mẹ của cả Hà và Huy đều lo rằng họ không thể sống đời với con. Cơ nghiệp sau này sẽ giao vào tay con, nhưng con sẽ làm gì để duy trì, khi mà đi làm ngoài xã hội con chẳng thiết, gánh vác chuyện làm ăn của gia đình cũng chẳng đoái hoài?

Bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ gặp khó khăn tìm việc làm phù hợp, như học chuyên ngành “kén” việc, cá tính không hạp môi trường công sở, lương thấp, hoặc trúng vào những đợt tinh giản nhân sự… Gia đình, cha mẹ sẽ luôn là chỗ dựa để họ tìm về, củng cố tinh thần mà bước tiếp.

Tuy nhiên, người chẳng may rơi vào hoàn cảnh mất việc sẽ khác với câu chuyện không hứng thú đi làm, dựa vào cha mẹ. Làm sao để mình có thu nhập, không làm cha mẹ rầu lo, âu cũng là vẹn tròn đạo làm con.











Đọc tiếp











Về trang Chủ đề