Được hỗ trợ kinh phí học tập, 3 em Lương Thị Son, Vừ Y Đơ, Lầu Y Trở (từ trái sang phải) đang tự tin thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.
Hiện nay, anh cùng nhóm bạn hỗ trợ khoản tiền 9 triệu đồng/tháng cho 3 em người dân tộc Khơ Mú và Mông theo học tại Trường Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An)…
Giấc mơ có thật
Đầu xuân năm 2023, chúng tôi gặp em Lương Thị Son, sinh viên năm thứ nhất, ngành bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Khoa Vinh khi đang chuẩn bị từ ký túc xá lên phòng thí nghiệm học môn Giải phẫu. Trong bộ bluse trắng, Son chững chạc, tự tin và khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Mở đầu câu chuyện, Son chia sẻ: “Em là người Khơ Mú, đến từ xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, em luôn có ước mơ trở thành bác sĩ để khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Thế nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, có lúc em định bỏ học giữa chừng để đi tìm việc làm. Thật may mắn khi được chú Lam và những người bạn giúp đỡ, em đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ của mình”.
Lương Thị Son sớm gặp cảnh bất hạnh, khi bố không may qua đời sau một vụ tai nạn lao động. Từ đó, em sống với ông bà nội đã cao tuổi, mưu sinh dựa vào việc làm nương rẫy. Vượt qua những thiệt thòi của bản thân, Son luôn cố gắng học tập tốt, mong có được cơ hội thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có lúc chênh vênh, em đã nghĩ đến việc bỏ dở chuyện học hành. Nhưng may mắn đã đến với em vào năm 2017, khi Son đang là học sinh lớp 8, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam có chuyến công tác lên địa bàn xã biên giới. Sau khi tình cờ được những giáo viên kể về câu chuyện của cô nữ sinh người Khơ Mú nghèo, chăm ngoan, học giỏi, bằng lòng trắc ẩn, nhà báo mang quân hàm xanh đã nhận đỡ đầu em với số tiền 300.000 đồng/tháng.
“Sau chuyến công tác trở về xuôi, hằng tháng, anh Lam đều đặn chuyển tiền để nhà trường trao tận tay Son. Không chỉ vậy, anh còn thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên em nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ. Cảm nhận được sự chân thành, Son dần xem Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam như người thân của mình. Em dần vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống, tìm lại được niềm tin, khát vọng”, cô Lương Thị Thùy, giáo viên chủ nhiệm của Lương Thị Son khi còn học lớp 8 nhớ lại.
Cũng từ đó, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam đã thông qua giáo viên, nhà trường định hướng để Son từng bước thực hiện ước mơ. Ngày Son rời bản làng vùng cao về TP Vinh nhập học vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, Nguyễn Viết Lam ra đón tận bến xe đưa đến trường, dẫn đi mua sắm từ sách vở đến đồ dùng sinh hoạt. Từ khi Son bước vào lớp 10, nhà báo bộ đội biên phòng đã nâng mức hỗ trợ lên số tiền 500.000 đồng/tháng và tặng chi phí sách vở, vé xe mỗi khi em về thăm gia đình vào dịp lễ, Tết. Các bạn cùng phòng ký túc xá với Son cũng dần quen với hình ảnh nhà báo mang áo lính đều đặn đến thăm nữ sinh mồ côi và định hướng chuyện học tập.
“Từ đầu năm học lớp 10, chú Lam đã nói với cháu rằng, cố gắng thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Khoa Vinh để đỡ chi phí đi lại, mức sinh hoạt cũng vừa phải. Chú sẽ cố gắng kết nối với những người bạn để hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho em khi thi đậu vào đại học. Chú Lam đã thực hiện đúng lời hứa, gần một năm qua, em đều đặn nhận được số tiền 3 triệu đồng/tháng để trang trải việc học tập”, Lương Thị Son cho biết.
Ở Trường Đại học Y khoa Vinh, ngoài Lương Thị Son, còn có hai em khác là Lầu Y Trở và Vừ Y Đơ, sinh viên năm thứ nhất ngành điều dưỡng (người dân tộc Mông, ở huyện biên giới Kỳ Sơn) cũng đang được nhóm bạn của Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, học tập. Câu chuyện vào giảng đường đại học của hai sinh viên người dân tộc Mông nghe rất khó tin. Cả Trở và Đơ đều sinh ra trong gia đình đông anh, chị em, bố mẹ làm nương rẫy nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong thâm tâm các em luôn nghĩ rằng được học hết bậc THPT đã là một sự may mắn.
Tháng 8/2022, sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả Trở và Đơ đều đăng ký xét và trúng tuyển vào ngành điều dưỡng của Trường Đại học Y Khoa Vinh nhưng đành ngậm ngùi vì gia đình không đủ tiền về thành phố nhập học. Trong khi đó, vào tháng 9/2022, nhiều bản làng thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn phải gánh chịu thiệt hại lớn do trận lũ quét lịch sử, gia đình của Lầu Y Trở và Vừ Y Đơ cũng bị cuốn trôi nương rẫy, hoa màu. Gia cảnh vốn khó khăn, càng thêm nhiều nỗi lo sau lũ, cánh cửa vào giảng đường đại học của hai em tưởng chừng như khép lại.
Công tác ở Báo Biên phòng, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam thường xuyên tác nghiệp ở những địa bàn gian khổ trên các tuyến biên giới. Trong trận lũ lịch sử ở Kỳ Sơn, anh cũng có mặt từ rất sớm, có thời gian dài bám hiện trường phản ánh quân dân huyện biên giới khắc phục hậu quả thiên tai. Một hôm, khi đang lấy thông tin, hình ảnh bộ đội giúp dân tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, Nguyễn Viết Lam tình cờ bắt gặp em Vừ Y Đơ đứng buồn bã ở góc sân nhà. Khi anh hỏi người thân và nói chuyện với Đơ thì được biết nữ sinh không có tiền để theo đuổi giấc mơ vào đại học. Sau đó, mọi người thấy Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam lấy điện thoại gọi cho rất nhiều người, rồi quay lại tìm gặp Đơ để trò chuyện gì đó. Một tuần sau cuộc gặp đó, em Đơ đã tạm biệt gia đình về TP Vinh để hoàn thiện các thủ tục nhập học.
Sinh viên Vừ Y Đơ chia sẻ: “Lúc đó, chú Lam bảo với em cứ chuẩn bị mọi thứ, sớm về Vinh làm các thủ tục nhập học. Hằng tháng, chú và những người bạn sẽ hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, học tập. Ban đầu em cũng sợ bị lừa gạt nhưng thấy chú là bộ đội nên cũng yên tâm, nghe theo. Khi em xuống TP Vinh, chú Lam đã đón và hỗ trợ em làm các thủ tục nhập học. Giờ thì em tự tin hơn rồi”, Vừ Y Đơ chia sẻ.
Sau vài tuần bước vào giảng đường đại học, Vừ Y Đơ mạnh dạn chia sẻ với chú Lam về câu chuyện của người bạn Lầu Y Trở ở xã Mường Típ cũng có khát khao được đi học đại học. Sau đó, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam đã gọi điện cho đồng đội của mình đang công tác ở Đồn Biên phòng Mường Ải để kiểm chứng thông tin và liên hệ, động viên Trở về TP Vinh nhập học. Chính vì thế mà Lầu Y Trở bước vào giảng đường đại học muộn so với các bạn cùng khóa.
Người kết nối yêu thương
Đến nay, cả 3 nữ sinh viên nghèo, gồm: Lương Thị Son, Lầu Y Trở và Vừ Y Đơ đều đang vững vàng trên con đường thực hiện ước mơ. Còn Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam vẫn thường xuyên mải miết với những chuyến công tác trên biên giới. Dù vậy, anh vẫn đều đặn gọi điện, nhắn tin nhắc nhở các em trong học tập, cuộc sống sinh hoạt. Khi được hỏi, anh chia sẻ rằng: “Cùng với thực hiện nhiệm vụ, sau lưng còn cuộc sống gia đình, từ khi “có thêm” 3 cháu sinh viên, tôi cũng phải lo lắng nhiều hơn. Để các cháu học tập cần số tiền 9 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ được trích từ lương, nhuận bút, còn lại là của nhiều người bạn quyên góp, ủng hộ. Trong số đó, có những người âm thầm hỗ trợ từ 1 đến 1,5 triệu/tháng cho cả 3 cháu. Tôi chỉ nhận mình là người kết nối yêu thương, trực tiếp trao đổi, định hướng cho các cháu”.
Nguyễn Viết Lam cũng cho biết thêm, tất cả 12 người bạn và 3 sinh viên đều tham gia vào một nhóm Zalo, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, công việc, học tập. Đến ngày 8 hằng tháng, anh sẽ nhắc để mọi người cùng thực hiện việc chuyển số tiền đã cam kết vào tài khoản riêng của các em. Khi được hỏi về lý do dám đưa cả 3 sinh viên vào giảng đường đại học, Nguyễn Viết Lam chia sẻ: Thường xuyên đi tác nghiệp ở địa bàn biên giới, anh hiểu rằng để học sinh vùng cao, đặc biệt là nữ sinh bước vào giảng đường đại học là sự nỗ lực rất lớn, vượt qua nhiều trở ngại, bởi tập tục, suy nghĩ và điều kiện kinh tế của bà con dân tộc thiểu số chưa thuận lợi.
Trong rất nhiều năm tham dự Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, Nguyễn Viết Lam là tác giả của nhiều bài viết có chất lượng và đoạt giải cao. Lam tâm sự: “Mỗi khi được gặp, hỏi chuyện và viết về những tấm gương bình dị mà cao quý, chan hòa trong cuộc đời khiến tôi day dứt: Mình cũng cần phải làm gì đó cho mọi người, cho cộng đồng được tốt hơn!”.
Suy nghĩ đó thôi thúc Đại úy QNCN, phóng viên Nguyễn Viết Lam hành động, ban đầu là quyên góp áo quần, sách vở, chăn màn giúp bà con vùng cao, rồi giới thiệu, kết nối những em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến với các nhà hảo tâm tình nguyện hỗ trợ việc học hành. Em La Thị Hoài người dân tộc Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã được Lam kết nối với gia đình bác sĩ Hoàng Viết Thắng ở TP Huế hỗ trợ tiền ăn học tại Trường Trung cấp Y dược Huế (nay là Trường Cao đẳng Y tế Huế). Năm 2015, Hoài tốt nghiệp và hiện nay là cán bộ y tế bản Cò Phạt, góp phần chăm sóc sức khỏe bà con trong bản.
Cũng giống như phóng viên Nguyễn Viết Lam, chúng tôi thường đi công tác ở miền núi và nhận thấy có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nuôi khát vọng được bước chân vào giảng đường đại học. Đối với học sinh nữ, nếu được đi học, các em sẽ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của bà, mẹ mình là bị bắt vợ, lấy chồng sớm, sinh nhiều con và sống cuộc đời nghèo đói, buồn tủi, có khi là gánh nặng cho cộng đồng thôn bản vốn đã rất khó khăn. Nếu có nhiều hơn những việc làm như Nguyễn Viết Lam và bạn bè của anh thì sẽ có thêm nhiều em được học đại học, cao đẳng, nghĩa là sẽ thêm nhiều cuộc đời có ý nghĩa, nhiều gia đình hạnh phúc ở nơi núi rừng biên cương xa xôi.
Theo QĐND