Biên phòng – Với những chiến sĩ Biên phòng nơi biên cương, hải đảo, các anh luôn gác lại hạnh phúc riêng vì nhiệm vụ canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Còn ở hậu phương, những người vợ lính Biên phòng luôn sẵn sàng thay chồng gánh vác việc nhà để các anh yên tâm bám đảo, bám biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đến thăm, tặng quà gia đình Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: Văn Huệ
Một ngày đầu tháng 3, trời mưa bay lất phất, chúng tôi đến thăm nhà chị Bùi Thị Quế (phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), vợ của Thiếu tá Nguyễn Đức Thành, nhân viên kiểm soát Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khánh Hòa. Chị Quế niềm nở đón khách bằng một nụ cười hiền, nhưng khi nhắc đến chồng đang công tác ngoài khơi xa, chị không khỏi xúc động: “Chứng kiến cảnh các gia đình đoàn tụ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, nói không khỏi chạnh lòng vì gia đình không được đoàn viên trong thời khắc thiêng liêng của năm mới là không thật lòng. Tuy nhiên, tôi hiểu nhiệm vụ của chồng nên giấu nỗi buồn riêng để cùng các con động viên chồng đang ở nơi đầu sóng ngọn gió yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Chị Quế quê ở tỉnh Hòa Bình, còn anh Thành quê ở Hải Dương cùng vào Khánh Hòa lập nghiệp. Gia đình anh chị có 2 cháu, cháu lớn là Nguyễn Bùi Thu Trang đang học lớp 12, cháu thứ 2 là Nguyễn Bùi Thái Sơn đang học lớp 8. Tháng 6/2022, Thiếu tá Nguyễn Đức Thành viết đơn xung phong ra công tác tại Đồn Biên phòng Trường Sa, đóng quân trên đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ngày anh lên đường nhận nhiệm vụ đúng vào thời điểm con gái lớn chuẩn bị thi cuối cấp, cháu nhỏ đang tuổi dậy thì, rất cần sự kèm cặp của người cha. Nên vợ anh vừa phải đảm nhận vai trò làm bố, vừa làm mẹ để gần gũi, dạy bảo, động viên các con; trong khi chị không có việc làm ổn định, hàng ngày tần tảo với công việc tạp vụ cho các khách sạn trên địa bàn thành phố Nha Trang, tối về lo cho các con ăn học.
“Khó khăn trăm bề, nhưng tôi luôn cố gắng, bởi mình là hậu phương của chồng. Hậu phương có vững chắc thì chồng tôi nơi tiền tuyến mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa” – Chị Quế trải lòng.
Câu chuyện trở nên sôi nổi khi nhắc đến đồng chí, đồng đội của chồng. Chị Quế cho biết, gia đình mình thật may mắn, dù chồng đi công tác xa, nhưng mẹ con chị luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội nên mỗi lúc khó khăn, mẹ con chị không thấy đơn độc. Hơn nữa, trong sinh hoạt thường ngày, chị thường nhắc đến vai trò của bố nên các con thấy bố luôn ở bên cạnh 3 mẹ con. Điều mà chị tự hào và trân trọng nhất ở anh chính là sự phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và không bao giờ quên quan tâm đến vợ con, người thân trong gia đình.
Tạm biệt gia đình chị Quế, chúng tôi đến thăm nhà của vợ chồng cô giáo Huỳnh Thị Mai – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang), vợ Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Trường Sa. Với chất giọng nhỏ nhẹ của nhà giáo, chị Huỳnh Thị Mai kể câu chuyện của gia đình đầy niềm lạc quan. Chị cho biết: “Gia đình tôi có 2 cháu, cháu lớn học đại học năm thứ 2, cháu nhỏ học lớp 9, đang chuẩn bị cho đợt thi chuyển cấp vào lớp 10. Năm nay, cả 3 mẹ con đón Tết cùng bố qua Facebook, chồng tôi nhận nhiệm vụ ra đảo công tác hồi tháng 7/2022. Qua điện thoại, chồng tôi kể rất nhiều về ăn Tết ở đảo. Thương chồng ngoài đảo, tôi sợ cái gì cũng thiếu, nhưng qua những bức ảnh anh gửi về thì thấy tổ chức lo rất đầy đủ. Không khí vui Xuân, đón Tết ngập tràn đất đảo. Biết được thông tin như vậy, tôi rất an tâm”.
Ở nhà, chị Mai là người vợ, người mẹ đảm đang; ở trường, chị là một cán bộ mẫu mực, vững chuyên môn, là cô giáo yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì học sinh thân yêu. Chị Mai chia sẻ: “Không những tiếp thêm niềm tin cho chồng yên tâm công tác ngoài đảo xa, mà hàng ngày, tôi còn giảng dạy cho các em học sinh của mình về tình yêu biển đảo. Tôi xác định, mình cần phải vững vàng, cứng cỏi để nuôi dạy các con nên người, thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao để không phụ sự quan tâm của đơn vị và sự hy sinh của anh ấy”.
Gặp gỡ với những người lính “trở về từ Trường Sa” mới thấy vị trí của hậu phương đối với người ở tiền tuyến quan trọng thế nào. Thượng tá Hoàng Minh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ninh Phước chia sẻ: Gần 16 tháng là Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa, không riêng gì bản thân tôi mà đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, thì hậu phương vững chắc là những người vợ đảm đang, hàng ngày lặng lẽ gánh vác công việc gia đình. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, lo toan mọi công việc trong gia đình chu toàn hai bên nội ngoại để những người lính Biên phòng chúng tôi yên tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió.
Và chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ với tổ chức, cũng là để xứng đáng với những hi sinh, vất vả và thiệt thòi của hậu phương. Điều đó có thể thấy qua mỗi việc làm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thời gian công tác tại đảo Trường Sa. Không chỉ làm tốt chuyên môn của mình, chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ đồng chí, đồng đội và nhân dân trên đảo. Công việc bộn bề, đồn vẫn tổ chức lớp học tiếng Anh cho các cháu học sinh; sửa chữa máy tàu miễn phí cho các tàu đánh bắt quanh đảo… Những việc làm thiết thực, ý nghĩa ấy khiến tình quân dân ngày càng bền chặt.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ảnh: Văn Tân
Đại tá Nhữ Mai Pháo, Chính ủy BĐBP Khánh Hòa cho biết: “Trước lúc cán bộ, chiến sĩ đi công tác tại Trường Sa, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đều tổ chức gặp mặt, động viên tinh thần và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí, xác định rõ trách nhiệm của người lính tiên phong trên tuyến đầu. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy cũng thường xuyên quan tâm đến công tác hậu phương quân đội để các đồng chí nơi tuyến đầu xây dựng ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chấp hành nghiêm mọi sự điều động, phân công nhiệm vụ của đơn vị mới, thường xuyên gần gũi, gắn bó với các lực lượng và nhân dân trên đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Hậu phương của những người lính đảo luôn là những điều bình dị nhưng lại có sức “chiến đấu” rất mãnh liệt. Phía sau những người lính kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió là những người vợ thầm lặng, tần tảo gánh vác việc gia đình, gác lại những nỗi lòng riêng, trở thành điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng xả thân, hết mình vì biên cương Tổ quốc hôm nay.
Văn Huệ – Văn Tân