Nét đẹp tinh thần thượng võ
Vào năm 1975, ở Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy quân sự huyện) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn “kỵ sĩ”, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ.
Cuộc đua ngựa ở miền núi thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt. Cuộc đua ngựa được cả làng háo hức mong chờ. Đồng bào các dân tộc Bắc Hà tổ chức nghi lễ diễu hành ngựa để khởi đầu năm mới thuận lợi, bình an. Các gia đình chọn con ngựa to, đẹp nhất, buộc nơ đỏ, hồng, thành bông hoa trước trán ngựa. Buổi sáng từ các ngả đường, mọi người tập trung ở dinh thự Hoàng A Tưởng để diễu hành. Dẫn đầu đoàn diễu hành là người thổi kèn, trống, tiếp theo là các thiếu nữ dân tộc Tày, H’Mông trong trang phục truyền thống, sau đó đến đoàn ngựa hàng trăm con, sau cùng là đoàn trâu.
Đoàn diễu hành đi qua các con phố và tập trung tại dinh, sau đó đến cuộc đua ngựa của các “kỵ sĩ”. Ngựa có vị trí quan trọng để làm phương tiện di chuyển, thồ hàng, nên tất cả các cơ quan trên địa bàn huyện đều nuôi ngựa. Khoảng thời gian đó, hằng năm, huyện Bắc Hà tổ chức cuộc thi cưỡi ngựa, bắn súng; dân binh có sức khỏe, nhanh nhẹn được lựa chọn tham gia, mỗi xã đều có 2 – 3 người tham dự.
Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua. Những chàng trai tham gia cuộc đua được dân làng yêu mến gọi là “kỵ sĩ chân đất” chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khoẻ, chạy êm để chăm sóc đưa vào cuộc đua. Có nhiều hình thức đua tùy theo số người, số ngựa, như vừa phi ngựa vừa bắn cung, bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc soải mình với lấy một vật dưới đất. Tiêu chí chấm điểm dựa theo thời gian ngắn nhất và số điểm bắn trúng bia cao nhất. Quà tặng cho “kỵ sĩ” thắng cuộc chỉ là tượng trưng, có thể chỉ là vài chén rượu, hoặc 3kg ngô cùng lời khen, sự kính nể.
Điểm chung của họ chính là tinh thần thượng võ, yêu thể thao và quan niệm không có thắng thua, chỉ có niềm tự hào. Đặc biệt, những “kỵ mã” cũng là những chú ngựa vùng cao, người bạn gắn bó thân thiết với người dân, giúp đỡ họ trong việc thồ hàng, di chuyển trên cung đường hiểm trở miền Tây Bắc. Những chú ngựa vùng cao nhỏ dáng nhưng có sức mạnh phi thường, từ lạ lẫm đường đua đến những nước đại tăng tốc, tạo nên màn đua tranh “nghẹt thở”.
Âm thanh hòa quyện của tiếng vó ngựa rộn rã, khẩu lệnh mạnh mẽ của những nài ngựa, hòa cùng tiếng hò reo phấn khích khiến người xem như bước vào một lễ hội Tây Bắc thực thụ.
Phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Trong xu thế hội nhập và lo ngại các môn thể thao dân tộc có nguy cơ mai một, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tổ chức giải đua ngựa thu hút nhiều vận động viên người dân tộc tham gia.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được khôi phục năm 2006 sau hàng chục năm gián đoạn. Từ đó đến nay, giải đã trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà. Tới năm 2020, Giải đua ngựa “Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà” mở rộng thu hút cả các nài ngựa đến từ các tỉnh bạn. Trang phục các nài ngựa chuyên nghiệp hơn với áo, mũ bảo hiểm đồng phục.
Cuộc đua ngựa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc Bắc Hà; quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bắc Hà. Theo Ban Tổ chức, ước tính có gần 20 nghìn lượt người xem Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà năm 2022. Trước ngày thi đấu, gần 90 cơ sở lưu trú, với hơn 800 phòng nghỉ ở thị trấn Bắc Hà đều kín khách. Trong 9 ngày diễn ra “Tuần lễ văn hóa – du lịch cao nguyên trắng Bắc Hà 2022”, ước tính thu hút hơn 70 nghìn lượt du khách đến địa phương.
Ngày 31/5/2021, trong 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã chính thức được ghi danh.
Không chỉ Bắc Hà, Sa Pa cũng tổ chức lễ hội đua ngựa mang tên “Vó ngựa trên mây” thường niên từ năm 2018. “Vó ngựa trên mây” lần thứ 6 dự kiến tổ chức trong tháng 6 năm 2023, với sự tham gia của khoảng 30 nài ngựa đến từ Bắc Hà, Simacai, Tuyên Quang, Bát Xát, Lào Cai. Cuộc đua ngựa được tổ chức nhằm tái hiện nét đẹp, văn hóa đua ngựa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao Sa Pa, Lào Cai và Tây Bắc, góp phần thu hút du khách đến với Khu du lịch Cáp treo Fansipan Legend Sa Pa nói riêng và thị xã Sa Pa nói chung.
Sau nghi thức châm đuốc khai hội, 16 nài ngựa cùng đoàn nghệ thuật khởi động màn diễu hành trong không gian ngợp cờ hoa. Du khách sẽ chứng kiến những “kỵ sĩ” trong trang phục dân tộc vùng cao biểu diễn ném lao, diễu cờ đầy khí thế.
Cung đường đua của họ có thể gọi tên “lãng mạn nhất Việt Nam” quanh thung lũng hoa hồng hàng triệu đóa nở rộ. Du khách sẽ phải lòng nét chất phác, khảng khái của những “kỵ sĩ” vốn là người dân tộc vùng cao, gác lại công việc làm nông hàng ngày quy tụ về đây.
Sau các vòng thi đấu, vào buổi chiều, các nài ngựa được dịp giao lưu cùng du khách khắp thị xã Sa Pa qua màn diễu hành tại những tuyến phố trung tâm. Đoàn diễu hành dừng lại tại 3 điểm chính là khu vực phố Cầu Mây, Sân Quần và đường Ngũ Chỉ Sơn, trình diễn với cờ, bắn cung và ném lao trên ngựa, thu hút sự tò mò và chú ý của đông đảo khách du lịch và người dân.
Có thể nói, truyền thống đua ngựa – nét văn hóa đặc trưng Lào Cai từ vài chục năm trước tưởng chừng như mai một đang dần sống lại, sôi động, mới lạ và hấp dẫn hơn. Từ đây, văn hóa địa phương được lan tỏa rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống Tây Bắc.
Việc bảo tồn, phát triển môn thể thao đua ngựa truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, đúng như tinh thần Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt. Trong đó nhấn mạnh việc chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; theo chỉ tiêu phát triển văn hóa, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…