Cuối năm mong Tết ấm: Vừa tan ca lại tăng ca

Cuối năm mong Tết ấm: Vừa tan ca lại tăng ca

Căng mình cuối năm mong Tết ấm: Vừa tan ca lại tăng ca - Ảnh 1.

Đinh Lệnh Tuấn cùng xe bưởi vẫn còn khá đầy dù trời mỗi lúc một tối dần – Ảnh: C.TRIỆU

Trên chuyến xe đêm muộn từ đường Võ Văn Tần (quận 3) về quận Bình Tân (TP.HCM), anh tài xế xe ôm công nghệ T. (xin giấu tên) cho biết đang tăng ca. Câu chuyện suốt chặng đường mới biết công việc chính của T. là kỹ sư công nghệ.

Thèm có cái Tết ở cùng gia đình, bà con lắm chứ nhưng khó khăn quá nên Tết này đành ở lại trong đây thôi, đang tính chắc tầm đến hè rồi tranh thủ cho cháu về thăm ông bà luôn.

Anh ĐINH LỆNH TUẤN (35 tuổi, quê Thanh Hóa, bán trái cây dạo)

Tan sở bật app chạy xe ôm

T. tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin với công việc chính đang làm là lập trình, chạy thử nghiệm game cho một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Thủ Đức. Câu chuyện trên chuyến xe T. cầm lái xoay quanh những khó khăn của dân làm công nghệ thông tin lúc này.

Trước đây công việc nhiều, mỗi tháng T. nhận được không dưới 1.000 USD. Chưa kể khoản thu nhập tăng thêm nhờ nhận việc bên ngoài, bán thẻ game rồi kéo khách chơi game cũng đem lại cho anh bạn ngấp nghé tiền lương chính. 

Nhưng chừng hơn năm qua công ty ít dự án mới và nhiều đồng nghiệp của T. buộc phải “nhảy việc” tìm nơi khác. “Nhưng là khó chung thì có nhảy đi đâu cũng thế”, T. đang cố lý giải vì sao mình còn bám trụ ở công ty đến lúc này.

T. đùa bảo gọi kỹ sư công nghệ thông tin “nghe cho oách” chứ mức lương giờ thực nhận mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng coi như gần chạm đáy của nghề rồi. Nên chiều đến tan ca, rời công ty, T. lại bật app chạy xe ôm công nghệ. Lý do vì công việc này thủ tục đăng ký gọn nhẹ, thời gian linh động, ít ràng buộc và kiếm “tiền tươi thóc thật”.

Vậy là đã thành thông lệ mỗi ngày cứ tan ca T. sẽ bật app tăng ca chạy “khi nào thấy mệt thì về nghỉ”. Là nói vậy chứ áp lực tiền bạc rồi Tết đang quá gần nên hầu như chưa hôm nào T. tắt app trước 23h. 

Có bữa nổ cuốc liên tục, T. chạy xuyên đêm, mãi khi mắt mỏi mờ vì buồn ngủ nhìn đồng hồ mới giật mình đã 2h sáng ngày mới. “Muốn tặng bố mẹ ít tiền tiêu Tết rồi sang năm học thêm tiếng Anh để kiếm việc mới nên tôi phải cố gắng thôi”, T. tâm sự.

Căng mình cuối năm mong Tết ấm: Vừa tan ca lại tăng ca - Ảnh 2.

Nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao nên nhiều shipper cũng mừng thầm vì kiếm thêm chút đỉnh – Ảnh: C.TRIỆU

Làm hai ba việc cùng lúc

Đã ba cái Tết rồi Mỹ Giang (24 tuổi, công nhân may tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) không về Quảng Nam đón Tết cùng gia đình. Năm nay cô cũng tranh thủ dịp cuối năm tăng ca kiếm thêm tiền. 

Phần vì giá vé xe từ TP.HCM về Quảng Nam bình thường cao lắm chỉ 600.000 đồng nhưng dịp Tết các nhà xe báo giá tăng thành 1,7 triệu đồng/vé. Cả nhà ba người mới tiền xe đi lại thôi đã hơn chục triệu đồng, quá sức với gia đình công nhân.

Mà công ty làm tới 26 âm lịch là nghỉ Tết, việc đâu tăng ca? Giang cười bảo công ty nghỉ đã có việc khác làm thế vào mấy ngày đó. Giang cho biết sẽ đi làm nail, xăm chân mày vốn là công việc cô từng theo đuổi trước đây. 

Rồi tính cả việc nhập một số mặt hàng đặc thù buôn bán Tết như bao lì xì, túi thơm… tranh thủ kiếm thêm mấy ngày áp Tết. “Tết mà, nhu cầu làm đẹp của chị em cũng nhiều lắm, khách hàng kiểu tâm lý cuối năm cũng sẵn sàng chi mạnh tay chút rồi tiền bo nữa nên cũng ổn lắm à”, Giang cười.

Trong khi những lao động tự do như anh Đinh Lệnh Tuấn (35 tuổi, quê Thanh Hóa), tăng ca gần như là việc bắt buộc và phải tranh thủ dịp cuối năm. Vào TP.HCM từ năm 2011, Tuấn cũng kinh qua không biết bao nhiêu công việc từ công nhân da giày, làm may, thợ cơ khí, bán ổi dạo…, còn hiện tại là bán bưởi dạo.

Trời mỗi lúc tối dần mà xe bưởi của Tuấn vẫn còn khá đầy. Tuấn kể chừng ba năm trước việc bán trái cây dạo không khó như bây giờ. Lúc đó mỗi ngày Tuấn có thể bán hết 200kg ổi, táo, dưa hấu nên có ngày lời bạc triệu. 

Nhưng thời điểm hiện tại, cũng mấy mặt hàng đó, buôn bán ngay tại khu vực trước đây mà hết chừng 100kg mỗi ngày đã là quá mừng chứ hầu như chưa ngày nào đạt được con số này.

Nên để có thể kiếm thêm, Tuấn chọn đi bán sớm hơn trước. Anh nhẩm tính trước đây đổ một bình xăng đầy có khi chạy ba ngày mới hết, bán được 600kg trái cây là bình thường. 

Còn nay chạy lòng vòng khắp nơi hết cả bình xăng mà giỏi lắm chỉ bán 100kg/ngày. Coi như chi phí tăng gấp ba mà lượng hàng bán bằng 1/6 “thì còn được mấy đồng đâu”.

“Kinh tế khó khăn, ngành nào cũng cắt giảm nên người ta chỉ tập trung vào mua những thứ thiết yếu thôi, trái cây nghe thì cần thế nhưng không ăn cũng không sao”, Tuấn cười chua chát.

Từng có lúc công việc gặp khó, Tuấn đã về quê mở tiệm cơ khí nhưng không trụ được bao lâu lại đổ nợ. Phần lớn vì khách hàng nợ quá nhiều trong khi bản thân đâu có vốn dồi dào để cho nợ hoài. Vậy là lại tìm đường vào Nam kiếm sống.

Tuấn đã loay hoay đủ thứ mà cái nào cũng không yên. Đành đoạn lắm anh mới phải quay lại công việc bán trái cây dạo chứ “buôn bán mà lúc nào cũng thấp thỏm sợ bị phạt vì lấn chiếm lòng lề đường, xe lôi tự chế”.

Shipper mừng vì được tăng ca

Nhu cầu mua sắm, nhất là mua sắm online dịp cuối năm tăng cao nên cánh anh em shipper mừng thầm. Shipper Trần Quốc Thắng (35 tuổi, quê Cà Mau) khoe số đơn hàng của anh giao bữa giờ đã tăng khoảng 30% rồi. Anh thường giao hàng một số tuyến đường quanh khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Anh khoe vì đơn hàng còn khá nhiều nên chừng hai tuần nữa đến Tết song vẫn chưa thấy công ty công bố lịch nghỉ trong khi năm ngoái được nghỉ từ 29 âm lịch. Trung bình mỗi đơn hàng giao thành công, Thắng được nhận tiền phí khoảng 4.000 đồng.

Mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/tháng nếu chạy đủ công. Tháng nào may mắn có nhiều đơn, anh sẽ nhận được tổng hết chừng 11 triệu đồng. “Sắp Tết nên đơn mỗi ngày thấy nhiều hơn, tôi tính thử tháng Tết này chắc được khoảng 15 triệu, dư ra chút để có tiền về quê”, Thắng cười.