“Vẽ” chân dung Xuân Son từ đinh và chỉ
Cuối tháng 12/2024, anh Trần Ngọc Khôi (35 tuổi, ở Hà Nội) ấp ủ ý tưởng vẽ chân dung cầu thủ Nguyễn Xuân Son bằng đinh và chỉ. Vốn bén duyên với nghệ thuật tranh dây từ năm 2021, anh muốn ứng dụng bộ môn này để sáng tạo một tác phẩm tri ân cầu thủ gốc Brazil.
“Tôi thực sự ấn tượng với sự hết mình, tinh thần cống hiến và nỗ lực thi đấu của Xuân Son. Bức tranh vừa là sự tri ân vừa đánh dấu khoảnh khắc đáng nhớ của anh ấy”, anh nói.
Anh Khôi chọn bức ảnh Xuân Son cười tươi trong buổi họp báo sáng 20/12/2024 trước trận cuối vòng bảng gặp đội tuyển Myanmar. Trong 7 ngày liên tục, anh cùng 3 cộng sự thay nhau quấn 800m chỉ vào khoảng 2.000 chiếc đinh được đóng đều trên khung gỗ công nghiệp kích thước 40x60cm để “vẽ” nên chân dung Xuân Son.
Họ sử dụng đinh kim loại chống gỉ đặt mua từ nước ngoài để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ, kết hợp sợi chỉ cotton hoặc polyester chất lượng cao.
“Vẽ” chân dung Xuân Son từ 2.000 chiếc đinh, 800m sợi chỉ trong 7 ngày (Nguồn video: NVCC).
Theo anh Khôi, quá trình thực hiện gồm 4 bước chính: Lên ý tưởng và phác thảo chi tiết trên giấy; định vị và đóng đinh lên khung tranh gỗ theo các điểm đã xác định; dùng chỉ nối các đinh để tạo hình ảnh và chi tiết mong muốn; kiểm tra tổng thể, chỉnh sửa các chi tiết để đạt độ hoàn thiện cao nhất.
Trong quá trình sáng tạo, nhóm thợ vừa điều chỉnh vừa nghiên cứu nhiều lần mới hoàn thành tác phẩm. Theo anh, thể hiện được thần thái của Xuân Son, đặc biệt đôi mắt và nụ cười, là công đoạn khó nhất. Anh mất nhiều thời gian chỉnh sửa, nghiên cứu từng góc cạnh của khuôn mặt, từ đó hiểu rõ hơn biểu cảm của nhân vật.
“Nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết cho bức tranh này. Nhóm đã dành thời gian và tình cảm làm nên bức chân dung Xuân Son như một lời cảm ơn đến nam cầu thủ vì đã chiến đấu cho đến tận giây phút gục ngã trên sân”, anh Khôi nói.
Đây cũng là cách họ lan tỏa nghệ thuật tranh dây, cho thấy rằng những chiếc đinh và sợi chỉ nhỏ bé có thể kể những câu chuyện lớn lao, kết nối niềm đam mê và cảm xúc.
Chân dung cầu thủ Xuân Son từ 2.000 chiếc đinh và 800m sợi chỉ (Ảnh: VFF, NVCC).
Tác phẩm nghệ thuật từ những lần gõ búa và “đi dây”
Năm 2021, trong một lần tình cờ xem được tác phẩm tranh dây của một nghệ sĩ Nhật Bản, Ngọc Khôi bị cuốn hút bởi sự kết hợp đầy ấn tượng giữa những chiếc đinh gai góc và sợi chỉ mong manh.
Từ đó, anh bắt đầu tự nghiên cứu, học hỏi qua tài liệu nước ngoài và các video hướng dẫn. Niềm đam mê lớn dần, anh quyết định cùng nhóm bạn phát triển loại hình nghệ thuật tranh dây (String Art) tại Việt Nam.
“Đây không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê lớn của tôi, giúp lan tỏa giá trị nghệ thuật đến mọi người”, chàng trai nói.
Xưởng của Khôi đặt tại Hà Nội, có 10 thành viên từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có điểm chung là thích sáng tạo và yêu nghệ thuật. Mỗi người trong nhóm đảm nhận một công đoạn, phối hợp để tạo nên những tác phẩm hoàn chỉnh.
Anh Trần Ngọc Khôi – chủ một xưởng sản xuất tranh dây tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Hơn 4 năm sử dụng búa, đinh, chỉ và những tấm gỗ, họ đã tạo ra nhiều bức tranh lạ mắt. Thời gian hoàn thành một bức tranh dao động từ 10 ngày đến một tháng, tùy thuộc kích thước và độ phức tạp của tác phẩm. Giá sản phẩm dao động từ 6 triệu đồng (kích thước nhỏ) đến 30 triệu đồng (kích thước lớn, cầu kỳ).
Theo anh Khôi, công đoạn khó nhất là căng chỉ và tạo hình vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn để đảm bảo các sợi chỉ được căng đều, không bị lỏng hoặc đứt. Ngoài ra, khả năng tưởng tượng và cảm nhận về không gian, màu sắc cũng là những yếu tố quan trọng.
“Có những mẫu tranh phải trải qua hàng chục, hàng trăm lần thử rồi bỏ. Chúng tôi đã làm việc bền bỉ để hoàn thiện kỹ thuật. Tranh dây không những mang giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng chi tiết”, anh nói.
Đến nay, anh Khôi và nhóm đã hoàn thành hơn 100 bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau, chủ yếu tập trung tranh chân dung được đặt hàng tặng bạn bè, người thân, đối tác. Mỗi bức chân dung sẽ khắc họa những cảm xúc và sắc thái biểu cảm tinh tế của nhân vật.
Một trong những đơn đặt hàng đầu tiên của nhóm là vẽ chân dung bà nội quá cố của một nữ khách hàng ở Nam Định. Chị muốn tặng bức tranh đặc biệt này cho bố của mình.
“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tác phẩm. Bên cạnh đó, ý nghĩa của món quà và mong mỏi của khách hàng cũng là một áp lực với nhóm”, anh Khôi nhớ lại.
Nhóm thợ đã làm đi làm lại nhiều lần, soi từng sợi tóc, nếp nhăn, đường gân… trên bức ảnh gốc. Đến giờ, đây là sản phẩm tốn nhiều thời gian nghiên cứu và thực hiện nhất, độ dài chỉ lên tới 1km.
Nhóm đến tận nhà tặng tranh dây cho nhạc sĩ Phạm Tuyên (Ảnh: NVCC).
Nhóm sau đó mở rộng các chủ đề khác như phong cảnh và các yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhằm mang đến sự đa dạng và phong phú trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện riêng và là niềm tự hào của các thành viên khi được truyền tải câu chuyện và giá trị nghệ thuật đặc biệt.
“Chúng tôi từng tạo nên bức chân dung có độ chi tiết rất cao, sử dụng hơn 15.000 chiếc đinh và khoảng 3.000m chỉ, dành hơn 200 giờ làm việc liên tục trong suốt một tháng”, người thợ cho hay.
Trong quá trình làm tranh dây, sự cố thường gặp nhất là sợi chỉ bị rối hoặc đứt khi đang đan vào đinh làm gián đoạn quá trình và tốn thêm thời gian để sửa chữa.
Một số tác phẩm khác của nhóm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng (Ảnh: NVCC).
Theo anh Khôi, thu nhập của nhóm không cố định, phụ thuộc số lượng đơn hàng và mức độ phức tạp của các bức tranh. Tuy nhiên, anh nói niềm vui lớn nhất không nằm ở con số thu nhập mà là sự đón nhận và tình cảm từ khách hàng dành cho các tác phẩm.
Anh cho biết trong tương lai nhóm ấp ủ kế hoạch tổ chức một triển lãm nhằm giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng. Đây cũng là cơ hội để họ gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng đam mê, mang nghệ thuật tranh đinh chỉ đến gần hơn với người dân.
“Tranh dây ngày càng chứng minh chỗ đứng trên thị trường, dần được công chúng biết đến và đón nhận. Đến nay, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng của cả khách trong nước lẫn quốc tế”, anh Khôi chia sẻ thêm.