317 tỷ đồng quỹ bình ổn giá bị sử dụng sai tại Hải Hà Petro thế nào

317 tỷ đồng quỹ bình ổn giá bị sử dụng sai tại Hải Hà Petro thế nào

Chủ tịch Hải Hà Petro Trần Tuyết Mai bị cáo buộc dùng sai tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 317 tỷ đồng và không khai nộp thuế làm thiệt hại 15 tỷ đồng.

Ngày 9/1, bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro); Lê Thị Huệ, Giám đốc điều hành kiêm kế toán trưởng Hải Hà, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh, phụ trách phòng tổng hợp Công ty Hải Hà, bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị can Trần Tuyết Mai. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Trần Tuyết Mai. Ảnh: Bộ Công an

Theo kết luận điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an), Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà có vốn điều lệ 454 tỷ đồng, với 8 chi nhánh tại các tỉnh, thành. Năm 2017, Công ty Hải Hà được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và 5 năm sau được chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Là thương nhân, Công ty Hải Hà có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để tham gia bình ổn giá xăng theo quy định. Để trích lập, doanh nghiệp cần mở tài khoản quỹ BOG tại ngân hàng thương mại, trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nộp vào tài khoản BOG theo từng kỳ.

Trong 5 ngày kể từ khi kết thúc một kỳ điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp phải hạch toán, đối trừ tiền trích lập, nộp tiền trích lập. Quỹ BOG được dùng với mục đích tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước theo từng kỳ điều chỉnh giá của Bộ Công Thương. Quỹ không được dùng cho các mục đích khác.

C03 xác định, Hải Hà đã mở các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để trích lập quỹ BOG theo từng thời kỳ. Từ 2017 đến thời điểm bị Bộ Công Thương rút giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối (tháng 1/2024), tổng số tiền quỹ BOG mà Hải Hà phải xác lập là hơn 612 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi dụng việc Nhà nước giao thu hộ tiền quỹ BOG từ người tiêu dùng thông qua giá bán xăng dầu và quản lý, sử dụng tài sản công, bà Mai đã làm trái các quy định. Cụ thể, bà Mai đã không nộp 50 tỷ đồng đúng thời hạn do cần tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh. Bà Mai và Huệ còn rút 266,3 tỷ đồng từ ngân hàng này chuyển đến các tài khoản ngân hàng khác của Hải Hà để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu.

Doanh nghiệp sau đó nhiều lần bị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhắc nhở nhưng không khắc phục hậu quả. Hoạt động của công ty sau đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, âm vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ thuế nên không có khả năng hoàn trả 317 tỷ đồng quỹ BOG về ngân sách.

Bị can Mai bị cáo buộc phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại cho nhà nước 317 tỷ đồng tiền quỹ BOG và 15,2 tỷ đồng tiền thuế.

Bỏ ngoài sổ sách bán 3,8 triệu lít xăng A95

Theo kết luận, bà Mai đã giao Ánh và Huệ sử dụng hai phần mềm kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh. Trong đó phần mềm FAST phục vụ việc lên số liệu tổng hợp, báo cáo tài chính, thuế, kê khai nộp thuế. Phần mềm VISOFT để theo dõi hoạt động kinh doanh thực tế của công ty và các hệ sinh thái, nhằm để ngoài sổ sách một phần doanh thu bán xăng dầu thực tế.

Căn cứ bảng kê mua vào, bán ra, cảnh sát xác định số lượng xăng A95-III bán ra, đã kê khai nộp thuế của Hải Hà là 150,5 triệu lít. Tuy nhiên tại phần mềm VISOFT lại xác định đã bán ra thực tế là 154,3 triệu lít.

C03 kết luận, Hải Hà đã khai man, kê khai không trung thực, để ngoài sổ kế toán không kê khai nộp thuế doanh thu bán hàng 3,8 triệu lít xăng A95-III. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp không nộp thuế bảo vệ môi trường 15,3 tỷ, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, các bị can đều thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp điều tra làm rõ vụ án. Gia đình các bị can đã khắc phục toàn bộ hậu quả của hành vi vi phạm kế toán, và một phần hậu quả về sử dụng quỹ BOG.

Hiện, Công ty Hải Hà đang có quan hệ tín dụng với các Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên, Vietinbank chi nhánh Chương Dương, SHB và Baoviet Bank.

Cảnh sát xác định chưa có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm, gây thiệt hại của các ngân hàng song C03 giao cho các nhà băng trên làm tiếp các thủ tục để thu hồi nợ. Quá trình xử lý tài sản thu hồi nợ mà phát hiện dấu hiệu sai phạm trong vay vốn, sử dụng vốn, đề nghị báo ngay cho cơ quan điều tra.

Bị can Lê Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Lê Thị Huệ (trái) và Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Bộ Công an

Với các cá đơn vị liên quan, cơ quan điều tra cho rằng Bộ Tài chính chưa xây dựng quy định, quy chế phối hợp với Bộ Công Thương để phân công trách nhiệm trong quản lý quỹ BOG. Bộ Tài chính cũng chưa có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong quản lý quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.

Do vậy từ 2017 đến hết năm 2021, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chỉ nhận được báo cáo của Công ty Hải Hà mà không nhận được sao kê tài khoản của các ngân hàng. Bởi thế nên chưa có thông tin đầy đủ để giám sát hoạt động trích lập, sử dụng quỹ BOG.

Ngoài ra, C03 kiến nghị Ngân hàng BIDV, SHB, Vietinbank, Baoviet Bank, phải xử lý thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của Công ty Hải Hà và các cá nhân liên quan. Nếu thu được số tiền vượt quá dư nợ của Hải Hà thì liên hệ, phối hợp với cơ quan điều tra để thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước và khắc phục hậu quả vụ án.

Phạm Dự