Doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động ở TPHCM thế nào?

Doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động ở TPHCM thế nào?

Theo Cục Thống kê TPHCM và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Falmi, đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM), dân số thành phố năm 2024 là hơn 9,59 triệu người, lực lượng lao động là hơn 4,876 triệu người, trong đó có 4,691 triệu người đang làm việc.

Hình thức lao động làm công ăn lương chiếm ưu thế với 68,75%, tự làm chiếm 21,57%, lao động gia đình 7% và chủ cơ sở kinh doanh 2,67%… Trong đó, số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hiện tại là hơn 2,836 triệu người.

Doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động ở TPHCM thế nào? - 1

Doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động TPHCM khá tốt (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Để đánh giá chất lượng lao động trên địa bàn thành phố, trong năm 2024, Falmi đã tiến hành khảo sát tại 17.500 doanh nghiệp với tổng số lao động là 475.818 người.

Đối với nhóm lao động quản lý, các doanh nghiệp đánh giá kiến thức chuyên môn từ tốt đến rất tốt (chiếm tỷ lệ 93,6%); kỹ năng mềm có mức độ đánh giá từ tốt đến rất tốt chiếm 92,6%; kỹ năng chuyên môn cũng có đến 92,3% doanh nghiệp đánh giá tốt đến rất tốt…

Đối với nhóm lao động gián tiếp, 83,37% doanh nghiệp đánh giá kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm từ tốt đến rất tốt; về kỹ năng chuyên môn cũng có đến 75,86% doanh nghiệp đánh giá tốt đến rất tốt.

Đối với nhóm lao động trực tiếp, 73,26% doanh nghiệp đánh giá kiến thức chuyên môn từ tốt đến rất tốt; tiêu chí kỹ năng mềm có 69,54% doanh nghiệp đánh giá tốt đến rất tốt; về kỹ năng chuyên môn thì chỉ có 66,79% đánh giá từ tốt đến rất tốt.

Về năng suất lao động, doanh nghiệp cũng đánh giá người lao động thành phố rất cao. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 93,45% tổng số lượt đánh giá từ mức tốt đến rất tốt.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, cho biết: “Điều này đã thể hiện năng lực và hiệu quả công việc của những lãnh đạo trong doanh nghiệp. Lao động gián tiếp cũng nhận được sự đánh giá tích cực, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc và được doanh nghiệp công nhận về khả năng làm việc. Lao động trực tiếp cũng nhận được sự tin tưởng và ghi nhận những đóng góp cho doanh nghiệp”.

Theo Falmi, hiện các doanh nghiệp cũng đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất của lao động trong công ty.

Một số giải pháp được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn là: Tăng cường chính sách tiền lương, phúc lợi; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực; áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến…

Falmi cũng tiến hành đánh giá sâu về mức độ yêu cầu của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng của người lao động tại 2.000 doanh nghiệp theo 9 tiêu chí: Đạo đức, thái độ làm việc; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ; tin học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp; kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động; kỹ năng xử lý tình huống.

Với thang đo 5 mức độ, giá trị trung bình đánh giá của doanh nghiệp đối với mức độ đáp ứng của người lao động là 3,72.

“Kết quả thang đo với giá trị trung bình là 3,72 cho thấy doanh nghiệp đánh giá các biến quan sát trong thang đo đều ở mức từ đáp ứng đến đáp ứng khá tốt”, bà Nguyễn Hoàng Hiếu nhận định.