Thái BìnhBị cáo buộc gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để giúp doanh nghiệp được duyệt dự án, cựu đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói thấy khó khăn là giúp, “cầm tiền cốt cho họ vui”.
Chiều 7/1, TAND tỉnh Thái Bình xét hỏi các sai phạm liên quan ông Lê Thanh Vân, 61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội, Uỷ viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội.
Ông Vân bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, do liên quan 2 trong 5 “phi vụ” bị VKSND Thái Bình quy kết.
Vụ việc đầu tiên được tòa xét hỏi chiều nay, liên quan dự án thăm dò khoáng sản tại đồi Bắc Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được Công ty CP Trường Sinh xin cấp phép từ tháng 7/2020, song 3 năm sau vẫn chưa có kết quả.
Do muốn sớm được cấp giấy phép đầu tư, ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sỹ Thanh, Giám đốc, đến gặp ông Nhưỡng nhờ “can thiệp, tác động” đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
VKS cáo buộc, ông Nhưỡng khi đó là Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giới thiệu họ đến gặp ông Vân “để cùng can thiệp, gây áp lực”.
Họ chia nhau, ông Nhưỡng gọi cho Phó Chủ tịch tỉnh; ông Vân gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó nhờ can thiệp, bật loa ngoài để ông Nhưỡng và hai doanh nhân cùng nghe.
Ông Nhưỡng được công ty biếu 210 triệu đồng, ông Vân 60 triệu đồng. Tháng 10/2023, Công ty CP Trường Sinh được tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đất.
Phiên xét xử do thẩm phán Vũ Duy Luân làm chủ tọa. Ảnh: Xuân Hoa
Doanh nghiệp: ‘Không nhờ vả thì chả có lý do gì biếu nhau tiền’
Tòa cách ly các bị cáo để xét hỏi hai lãnh đạo công ty Trường Sinh. Hai doanh nhân này cơ bản đồng ý với cáo trạng, cho hay quen biết ông Nhưỡng trước. Khi biết về khó khăn tại dự án, ông Nhưỡng đưa ông Vân đến gặp họ trong một lần ăn trưa.
Ông Vân sau khi nghe trình bày đã bảo gọi cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó, nói đại loại “doanh nghiệp đang có vướng mắc với dự án, các anh xem giúp”.
“Gặp anh Vân hôm đó rất bất ngờ vì không có sự chuẩn bị. Theo thông lệ, tinh thần gặp gỡ chào hỏi, tôi chuẩn bị phong bì 10 triệu rồi đưa anh Vân”, giám đốc Thanh nói.
“Còn khi được cấp phép rồi thì đưa tiền theo tinh thần là cảm ơn”, ông khai thêm.
Theo ông Thanh, công ty có 4 cổ đông, đều biết và đồng ý với việc này. Tiền biếu hai ông là của công ty, có ghi chép và hạch toán với kế toán. Ông Thanh mang theo tập tài liệu ghi lại đầy đủ các lần biếu tiền, kèm thời gian, địa điểm, đi với ai, biếu tiền tại đâu và biếu như thế nào.
Luật sư ông Nhưỡng thắc mắc, cáo trạng quy kết thân chủ nhận 210 triệu, song ông Nhưỡng nói chỉ nhớ 180 triệu. Do đó, Giám đốc Trường Sinh mở tài liệu này liệt kê 6 lần đưa tiền, đều ở phòng làm việc của ông Nhưỡng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đi cùng Chủ tịch công ty và đều để ở bàn uống nước.
Sau lần gặp ông Vân ở nhà hàng ăn trưa, lãnh đạo Trường Sinh gặp ông Vân lần thứ hai tại phòng làm việc của ông Nhưỡng. Do khi này đã được việc, Chủ tịch Trường Sinh cho hay đã chuẩn bị sẵn 2 phong bì, mỗi chiếc 50 triệu đồng, “để lên bàn anh Nhưỡng một cái, đút vào túi quần anh Vân một cái”.
Về việc được cấp phép cho dự án, hai doanh nhân nói là điều “rất tốt” cho doanh nghiệp. “Tôi thấy anh Vân trên mạng xã hội, phát biểu trên nghị trường nên rất tin tưởng. Anh Vân anh Nhưỡng đều là người có tiếng nói, lãnh đạo tỉnh nghe điện xong, chắc phải có suy nghĩ”, ông Thanh giãi bày.
Song theo công bố bút lục của VKS, ông cũng thừa nhận được “nếu không đưa tiền, anh Nhưỡng và anh Vân sẽ không giúp”. Tại tòa, ông khẳng định “nếu không có việc nhờ vả thì chả có lý do gì biếu nhau tiền”.
Theo cơ quan công tố, hai doanh nhân không bị truy cứu Đưa hối lộ, do ông Vân, Nhưỡng không phải người có thẩm quyền quyết định cấp phép dự án.
Sáng nay, luật sư của ông Vân đề nghị triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng một nguyên lãnh đạo khác của tỉnh này. HĐXX cho hay, quá trình xét xử, sẽ xem xét nếu thấy cần thiết.
Ông Lê Thanh Vân tại TAND tỉnh Thái Bình ngày 7/1. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Lê Thanh Vân: ‘Tính tôi thấy doanh nghiệp gặp khó khăn là sẽ giúp’
Được đưa lại phòng xét hỏi sau cách ly, ông Vân là bị cáo duy nhất mang theo tập tài liệu dày và một quyển sách lên bục khai báo.
Khai về mối quan hệ với ông Nhưỡng, ông Vân cho hay là đồng môn tại Đại học Luật, học trên ông Nhưỡng 2 khóa, cùng tham gia hoạt động sinh viên, đá bóng, sau này cùng làm đại biểu Quốc hội nên quen biết thân thiết.
Còn với hai doanh nhân, ông Vân nói thậm chí giờ không nhớ mặt, chỉ gặp hai lần, đều ở phòng làm việc ông Nhưỡng, khi ông tình cờ sang uống nước chè.
Được tòa tóm tắt lại lời khai của hai doanh nhân này về việc gặp nhau lần đầu tại quán ăn trưa, ông Vân cương quyết phủ nhận. “Khi đó còn dịch Covid-19, tôi rất cẩn thận, không ra ngoài ăn uống gì với ai, có lái xe của tôi biết”, ông nói.
Theo ông, hôm đó ông Nhưỡng giới thiệu một trong hai người là “chỗ anh em” với một lãnh đạo Hà Nội, có vướng mắc với dự án nên “nhờ nói thêm” với Bí thư Quảng Ninh. “Tôi hỏi vụ việc thế nào, rồi gọi điện ngay”, ông khai.
Cuộc gọi bật loa ngoài của ông đã được ông Nhưỡng ghi âm toàn bộ, nhưng ông Vân nói không để ý. Tòa cho hay tệp ghi âm này đã được nhà chức trách trích xuất từ điện thoại ông Nhưỡng quá trình điều tra.
Phân trần về hành động này, ông Vân nói “tính tôi thấy doanh nghiệp khó khăn là tôi giúp, tôi hay phát biểu ngay ở nghị trường, giúp nhiều người, nên cũng không nhớ từng người”. Riêng trường hợp này, ông nói, còn có lý do khác, là người nhờ vả “là chỗ người nhà” của một lãnh đạo Hà Nội.
Về lần gặp thứ hai với các doanh nhân này, ông cho hay cũng do “tình cờ” sang phòng bạn uống nước chè, và được họ kể, dự án đã được duyệt. Sau đó, khi ông đi bộ về phòng làm việc của mình, một trong hai doanh nhân mà ông không nhớ rõ ai, “chạy theo dúi phong bì vào túi tôi”. Ông Vân nói “cầm cho họ vui”, không đòi hỏi, nhận còn vì tình cảm với vị lãnh đạo Hà Nội, người nhà của doanh nhân này.
Về phần ông Nhưỡng, giống như phần trả lời trước đó, đều đáp “giữ nguyên lời khai tại giai đoạn điều tra, xin không khai lại”, trước tất cả câu hỏi. Riêng về số tiền nhận của Trường Sinh, là 210 triệu hay 180 triệu đồng, ông không hẳn đồng tình hay phản đối.
Ông đã khắc phục 180 triệu đồng, do giai đoạn điều tra được cho hay mình đã nhận từng đó, bản thân không nhớ rõ bao nhiêu.
“Nhưng chỗ này, xin tòa đánh giá, vì bây giờ các anh ấy bảo đưa 6 lần, nhưng sau đó nhỡ các anh ấy khai thêm lần thứ 7, thứ 8 nữa thì tôi phải nghĩ sao?”, dù theo ông, số tiền chênh giờ không phải vấn đề quá lớn với mình.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, HĐXX đã hoàn thành xét hỏi 4 trong số 5 vụ sai phạm thuộc vụ án. Ngoài hai ông Nhưỡng, Vân, 3 bị cáo còn lại đều đang chấp hành án tù trong các vụ án khác, gồm: Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, án 7 năm 6 tháng tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai “giang hồ” Phạm Minh Cường (Cường “Quắt”) án 4 năm 3 tháng tù về Cưỡng đoạt tài sản và Giữ người trái pháp luật; Vũ Đăng Phương 2 năm 9 tháng tù vì tội Gây rối trật tự công cộng.
Trong vụ án đang xét xử, Vương bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Cường và Phương về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam – Phạm Dự