Thái BìnhBị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói việc nhận 300.000 USD của doanh nghiệp là “sai lầm cuộc đời”, cả đời theo phong cách “không gợi ý bất kỳ ai phải chi tiền bạc”.
Chiều 7/1, TAND tỉnh Thái Bình bắt đầu phần xét hỏi với ông Nhưỡng, 62 tuổi, cựu Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 4 bị cáo.
Trong lúc hỏi Phạm Minh Cường (tức Cường “Quắt”) và “đàn em” Vũ Đăng Phương để làm rõ tội Cưỡng đoạt tài sản, HĐXX cho cách ly ông Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội, cựu Uỷ viên thường trực Uỷ ban ngân sách Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước).
Trong hơn ba phút đầu tiên trả lời thẩm vấn về hai cáo buộc Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Nhưỡng không khai gì thêm, nói “giữ nguyên tất cả lời khai, đã rất chi tiết, tại cơ quan điều tra”.
Theo cáo buộc, năm 2021 ông Nhưỡng được doanh nhân ở tỉnh Bắc Ninh nhờ can thiệp giúp dự án ở khu công nghiệp Quế Võ III đang bị chậm phê duyệt. Tại phòng làm việc ở Ban Dân nguyện, ông Nhưỡng hướng dẫn hai doanh nhân viết đơn kêu cứu để chuyển đến Văn phòng Chính phủ.
Trong lúc viết phiếu chuyển đơn, ông Nhưỡng nói nhỏ với họ: “Xong việc đưa chú ba trăm ngàn, tức 300.000 USD”, cáo trạng nêu. Cuối tháng 3/2021, khi dự án đã được phê duyệt ông Nhưỡng nhận 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng).
Ông Lưu Bình Nhưỡng (đứng đầu hàng) tại phiên tòa hôm nay. Ảnh: Xuân Hoa
Được tòa gọi lên xét hỏi lần thứ 3 tại phiên tòa chiều nay, ông Nhưỡng nói nhận thức được đây là sai lầm trong cuộc đời nên đã “không đấu tranh mạnh mẽ” để chối tội.
Không chối việc nhận số tiền trên và 210 triệu đồng của Công ty Trường Sinh nhưng ông khai không bao giờ gợi ý bất kỳ ai phải chi tiền bạc. “Đây là phong cách của cả cuộc đời tôi”, ông Nhưỡng trình bày.
Tại tòa, hai lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức và người làm “cầu nối” dẫn họ đến gặp ông Nhưỡng đều thừa nhận các tình tiết như cáo trạng nêu. Họ khẳng định ông Nhưỡng đã chuyển đơn.
“Nếu không đưa tiền thì anh thấy bị cáo Nhưỡng có giúp đỡ chuyển đơn không?”, chủ tọa hỏi.
Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức cho hay không có đủ dữ liệu để đánh giá về vấn đề này. Khi thực hiện dự án, anh chưa từng gặp gỡ hay tiếp xúc với ai. Việc gặp ông Nhưỡng cũng là lần đầu tiên nên mọi chuyện đều nhờ qua người “cầu nối”.
“Cáo buộc tôi can thiệp giúp doanh nghiệp là hơi nặng”
Phi vụ thứ hai ông Nhưỡng bị VKS cáo buộc là lợi dụng quyền hạn để can thiệp vào vụ kiện tranh chấp đất ở TAND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ông được Cường và anh Thao (người làm công cho Cường) nhờ tác động giúp theo hướng có lợi ở phiên phúc thẩm, khi mà sơ thẩm bị tuyên thua. Ông được anh Thao hứa sẽ bán 100 m2 trong lô đất đang vướng kiện tụng để cảm ơn, nếu mọi việc thành công.
Theo cáo trạng, ông Nhưỡng còn được nhóm Cường, Thao mang bộ cửa gỗ lim trị giá 75 triệu đồng đến tặng, lắp cho nhà thờ của ông ở Thái Bình. Ông sau đó lấy tư cách đại biểu Quốc hội hai lần ký văn bản kiến nghị cơ quan tố tụng Hải Phòng chỉ đạo xem xét giải quyết vụ việc của anh Thao. Vụ kiện sau đó được xét xử phúc thẩm song vẫn giữ nguyên án sơ thẩm, buộc anh Thao trả đất.
“Cơ quan tố tụng cáo buộc tôi can thiệp là hơi nặng. Chuyển đơn của công dân chỉ là việc làm hết sức bình thường của một đại biểu Quốc hội”, ông Nhưỡng nói trước tòa.
Ông khai không biết gì về việc Cường và Thao bàn bán đất để cảm ơn mình.
Ông thừa nhận được tặng cửa cổng bằng gỗ lim nhưng cho rằng VKS cáo buộc “tặng cửa vì việc của Thao là không đúng”.
“Tôi đã khen với Cường từ rất lâu là thấy cánh cổng gỗ lim đẹp nên anh ta tặng. Hơn nữa, đây là tặng cho nhà thờ của dòng họ chứ không phải cá nhân tôi”, cựu Phó Ban Dân nguyện phân trần.
Phạm Minh Cường (tức Cường “Quắt”) tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Hoa
Ngoài ra, ông Nhưỡng còn bị cáo buộc giúp sức cho nhóm Cường, Phương cưỡng đoạt tiền của Công ty Sao Đỏ. Khi nhóm Cường đang bảo kê để buộc Sao Đỏ “cắt phế” khai thác cát thì bị nhóm giang hồ khác gây khó khăn. Đầu tháng 9/2021, ông Nhưỡng gọi điện cho một phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình nhờ giải quyết, xử lý giúp nhóm “giang hồ” đối thủ của Cường.
Ông Nhưỡng ghi âm toàn bộ nội dung cuộc gọi này gửi cho Cường qua ứng dụng Telegram. Cường lại khoe ghi âm cuộc gọi với đàn em để đến tai đối thủ khiến chúng rời đi, VKS cáo buộc.
“Lúc gửi ghi âm, tôi dặn Cường là nghe xong phải xóa ngay”, ông Nhưỡng khai tại tòa.
Trả lời HĐXX, Cường khai trực tiếp nhờ “chú Nhưỡng” là người quen từ năm 2016″ gọi điện thoại tác động giúp để đuổi nhóm giang hồ đối thủ đi nơi khác.
“Sau khi gọi điện cho Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, chú Nhưỡng đã hướng dẫn bị cáo tải ứng dụng Telegram để chuyển file ghi âm lại toàn bộ cuộc gọi. Có ghi âm, bị cáo dùng để cho Phương và anh em nghe, sau đó nhóm đối thủ đã rời đi”, Cường khai.
Trả lời luật sư, Cường cho hay việc bảo kê đã được thỏa thuận từ trước nên “cứ thế mà làm.
“Vậy công an huyện, công an xã hay chính quyền địa phương có yêu cầu bị cáo dừng việc cưỡng đoạt tiền không? Khi nhờ can thiệp giúp về hành vi sai trái, bị cáo Nhưỡng có can ngăn bị cáo không?”, luật sư hỏi.
Cường trả lời không có cơ quan chức năng nào đề nghị dừng việc cưỡng đoạt và ông Nhưỡng cũng “không can ngăn”.
Theo VKSND tỉnh Thái Bình, tổng số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ là 4,9 tỷ đồng. Trong đó, việc cưỡng đoạt 1,6 tỷ đồng xảy ra từ 10/2021 đến 7/2022 có sự giúp sức của ông Nhưỡng. Toàn bộ số tiền này, Cường chi tiêu cá nhân và trả cho Phương khoảng 180 triệu đồng.
Ngoài các phi vụ trên, ông Nhưỡng còn bị cáo buộc trong năm 2019, ông đã can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha. Ông sau đó hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỷ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỷ đồng.
Từ tháng 7 đến 10/2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.
Phiên tòa đang tiếp tục phần xét hỏi.
Phạm Dự – Thanh Lam