Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tại 49 tỉnh thành sẽ được đầu tư cải tạo, xây mới

Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tại 49 tỉnh thành sẽ được đầu tư cải tạo, xây mới

Theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg, mục tiêu đầu tư nhằm sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt hoạt động của Tòa án, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Theo đó, đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng trụ sở làm việc và các hạng mục phụ trợ các TAND cấp tỉnh, cấp huyện tại 49 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: 15 dự án trụ sở TAND cấp tỉnh; 75 dự án trụ sở TAND cấp huyện.

Đây là dự án nhóm A, được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.873 tỷ đồng.

thanh-hoa-17357066529941129557228.jpgXây dựng trụ sở làm việc TAND TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa- Ảnh minh họa: VGP

Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hệ thống TAND và nguồn vốn địa phương hỗ trợ. Thời gian thực hiện Dự án 06 năm dự kiến bắt đầu từ năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao TAND tối cao chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, cũng như các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Dự án.

Tổ chức việc giao chủ đầu tư để quản lý thực hiện các dự án thành phần. Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Báo cáo thẩm định số 10626/BC-BKHĐT ngày 23/12/2024; chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong quá trình lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai các dự án theo đúng quy định.

Đồng thời cân đối, bố trí đủ vốn để triển khai đầu tư các dự án thành phần và tổ chức triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Bộ KH&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và TAND tối cao rà soát, cân đối đủ vốn cho Dự án trong tổng mức vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật.

Các Bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp theo chức năng và nhiệm vụ của mình trong quá trình triển khai dự án.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với TAND tối cao và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án và chịu trách nhiệm: Bố trí cấp đất phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ khẩn trương tham gia ý kiến khi được đề nghị. Trong quá trình thực hiện dự án chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục: phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng; thỏa thuận đấu nối hạ tầng, điện, nước…; đánh giá tác động môi trường; thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ dự án… đảm bảo tiến độ của dự án. Cân đối nguồn ngân sách địa phương trong khả năng để đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp đất sạch và hỗ trợ kinh phí đầu tư.

Chi tiết các Dự án được phân chia thành các dự án thành phần, nội dung cơ bản của từng dự án được nêu cụ thể theo Phụ lục đính kèm Quyết định này.