Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn đã giảm. Tuy nhiên, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp cuối năm, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Thái Thụy tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”
Thời gian qua, số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Thái Bình đã giảm hơn so với trước rất nhiều. Bên cạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm, việc tuyên truyền được đẩy mạnh, từ đó hình thành thói quen trong người dân “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Thực tế trên được chúng tôi ghi nhận khi tham gia cùng tổ công tác của Đội CSGT và trật tự, Công an thành phố Thái Bình làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại đường Quang Trung tối ngày 24/12 khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trong đêm Noel tương đối lớn. Trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến gần 22 giờ, lực lượng làm nhiệm vụ đóng chốt kiểm tra liên tục hàng trăm lượt xe mô tô, ô tô, trong đó chỉ phát hiện, lập biên bản xử lý 2 trường hợp lái xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT và trật tự, Công an thành phố Thái Bình cho biết: Nếu như trước đây, cũng khoảng thời gian tương tự, ở mỗi ca trực, chúng tôi sẽ lập biên bản khoảng hơn 10 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Con số này giờ giảm từ 20 – 30% so với trước.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông chuyển biến hơn so với trước.
Bên cạnh việc ra quân kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng, ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông cũng được nâng lên. Người sử dụng rượu, bia đã hình thành thói quen đi taxi, xe ôm hoặc nhờ người nhà đưa đón về; nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng hỗ trợ đưa khách hàng về nhà khi đã dùng rượu, bia.
Anh Vũ Mạnh Hùng, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Uống rượu, bia bây giờ dù ít hay nhiều, dù có gần nhà, tôi cũng không dám tự chạy xe về như trước. Thứ nhất là vì sự an toàn của bản thân và người khác, thứ hai là giờ chốt xử lý vi phạm giao thông nhiều lắm, bị lập biên bản nhẹ nhất cũng mất tháng lương và còn bị giữ bằng lái nữa.
Duy trì xử lý theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với những chế tài xử phạt rất mạnh mẽ được áp dụng, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, tuyên truyền tác hại của rượu, bia và những nguy cơ mất ATGT sau khi sử dụng rượu, bia, các vi phạm về nồng độ cồn đã được hạn chế nhiều. Mặc dù vậy, theo thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 6.900 trường hợp vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; phạt tiền gần 33,5 tỷ đồng. So với năm 2023, tăng 1.660 trường hợp vi phạm, tăng hơn 2,6 tỷ đồng tiền phạt.
Ngoài ra, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn cũng diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, làm chết 52 người và bị thương 43 người. So với năm 2023, tăng 14 vụ, tăng 5 người chết và 6 người bị thương.
Trung tá Lê Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện Thái Thụy cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao trong các buổi liên hoan, tổng kết. Do đó tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ có những diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Công an huyện Thái Thụy chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, xử lý các lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông, qua đó bảo đảm trật tự ATGT dịp cuối năm.
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Đại tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg, toàn bộ quá trình kiểm tra vi phạm khi phát hiện có nồng độ cồn cũng được ghi hình lại và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều được lực lượng CSGT gửi thông báo về công an cấp xã để xác minh nghề nghiệp, đơn vị công tác và tình trạng đảng viên. Sau khi xác minh, thông báo này được gửi đến các đơn vị, cơ quan nơi người vi phạm công tác để xử lý theo quy định và quy chế của đơn vị.
Với sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm trật tự ATGT nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng của lực lượng CSGT toàn tỉnh, cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, ý thức tự giác chấp hành của người dân sẽ được nâng cao, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn giao thông trong dịp cuối năm.
Lực lượng CSGT Vũ Thư tuần tra, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Nguyễn Thơi