Nghệ AnVi Văn Phòng suốt thời gian lẩn trốn luôn tỏ ra có năng lực, siêng năng, được bổ nhiệm làm tổ trưởng mang hàm đại úy của một doanh nghiệp quân đội Lào.
Theo hồ sơ của Công an tỉnh Nghệ An, tháng 6/2002, hai người đàn ông trên địa bàn bắt ôtô khách lên cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, mua 98 triệu đồng tiền giả, đưa về huyện Quế Phong.
Vi Văn Phòng, trú xã Tri Lễ, lúc này 28 tuổi, được móc nối để đưa tiền đi tiêu thụ để kiếm lời.
Rạng sáng 21/6 cùng năm, Công an huyện Quế Phong bắt quả tang ba người đàn ông dùng tiền giả giao dịch ở xã Châu Thôn. Riêng Phòng thấy “động” đã bỏ trốn khỏi địa phương, khởi đầu cho việc ẩn mình suốt 22 năm.
Thời điểm này vừa mới cưới vợ được vài tháng song Phòng đã từ bỏ gia đình, trốn vào khu vực rừng núi hiểm trở ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rồi vượt biên sang Lào bằng đường tiểu ngạch.
Phòng lang bạt nhiều nơi, hơn một năm sau, Phòng tìm đến nhà của người quen sống tại khu vực miền núi hẻo lánh cách thủ đô Vientiane hơn 500 km, xin tá túc rồi đăng ký vào hộ khẩu của gia đình này, nhập quốc tịch Lào, lấy tên là Vilaisack Vongsa.
Vi Văn Phòng – nghi phạm trốn truy nã về tội lưu hành tiền giả suốt 22 năm. Ảnh: Công an cung cấp
Năm 2004, một doanh nghiệp quân đội làm trong lĩnh vực nhuộm vải thuộc Bộ Quốc phòng Lào tuyển công nhân, Phòng đăng ký và được nhận vào phân xưởng. Công ty này có nhiều người Việt Nam làm việc, vì vậy việc Phòng hiểu biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Lào là rất lợi thế. Phòng được tin tưởng vì có thể giúp lãnh đạo giao tiếp và truyền đạt ý kiến chỉ đạo tới lao động nước ngoài thuận lợi.
Phòng tự nhận là “người gốc Lào”, việc nói được tiếng Việt Nam do “hồi xưa từng sang các tỉnh làm việc vài năm”. Tay nghề tốt, làm việc siêng năng, vài năm sau Phòng được biên chế, trở thành quân nhân.
Vài năm trước Phòng được bổ nhiệm chức tổ trưởng thợ nhuộm của công ty, mang hàm đại úy.
Phòng cắt đứt mọi liên lạc với gia đình ở huyện Quế Phong, kể cả vợ. Ổn định công việc, ông ta kết hôn với một phụ nữ gốc Lào, sinh được hai con 10-14 tuổi. Vài năm gần đây, vợ chồng ly hôn. Phòng nuôi các con.
Một lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, sau thời gian dài không lần ra hành tung của “chân rết” đường dây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An truy nã với Phòng về tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả. Nhiều thế hệ cán bộ điều tra tại các phòng nghiệp vụ nối tiếp truy tìm.
Theo cán bộ điều tra, khó khăn lớn nhất chính là xác định con đường lẩn trốn. Phòng sinh sống ở vùng biên giới, có nhiều cách để vượt biên bằng đường tiểu ngạch sang Lào mà không để lại dấu vết, tiếp đó liên tục thay đổi chỗ ở khiến việc xác minh như “mò kim đáy bể”.
Một góc của xã Tri Lễ, nơi Phòng lợi dụng núi rừng hiểm trở để vượt biên sang Lào bằng đường tiểu ngạch sát biên giới, lẩn trốn suốt 22 năm. Ảnh: Đức Hùng
“Hướng điều tra lần theo manh mối huyết thống cũng rất nan giải do bố mẹ nghi phạm đã qua đời, họ hàng thì người nhớ người không. Thời điểm gây án Phòng mới kết hôn, vợ chồng chưa có ràng buộc về con cái, vì vậy hắn không liên lạc gì, quyết tâm xóa hết ký ức để bắt đầu cuộc sống mới”, cán bộ điều tra nói.
Đầu tháng 7, nguồn tin từ trinh sát ngoại biên báo về Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), có người tên Vilaisack Vongsa, 52 tuổi, trong hồ sơ có nhiều đặc điểm nhận dạng tương tự Vi Văn Phòng, nên cử cán bộ điều tra liên hệ với nhà chức trách Lào xác minh.
“Việc một nghi can trốn phạm truy nã đang làm việc trong cơ quan nhà nước thuộc quân đội Lào là nằm ngoài sức tưởng tượng của ban chuyên án”, trinh sát nói.
Tại vùng núi hẻo lánh thuộc tỉnh miền núi Lào để điều tra, người dân sống xung quanh lâu nay vẫn gọi Phòng là Vilaisack Vongsa, tin chắc là “người Lào gốc”, vì vậy các dữ liệu thu được “rất mờ”. Khó khăn tiếp theo là xác minh lai lịch của Phòng từ phía Bộ Quốc phòng Lào.
Theo trinh sát, so với ảnh nhận dạng hơn 20 năm trước và hiện tại, Phòng không thay đổi quá nhiều, một số chi tiết trên khuôn mặt vẫn hiện ra rất rõ, rà soát kỹ sẽ thấy nhiều điểm khớp. Tuy nhiên, với một đại úy quân nhân, Bộ Quốc phòng Lào yêu cầu phải làm kỹ lai lịch, cả sinh trắc học, đề phòng “suy đoán nhầm”.
Suốt 5 tháng, Công an tỉnh Nghệ An cùng cơ quan chức năng Lào triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, thu thập các dấu vân tay của Phòng để đối chiếu.
Nghi can Phòng (giữa) lúc bị nhà chức trách bắt giữ. Ảnh: Hùng Lê
Đầu tháng 12, mọi “điểm mờ” được sáng tỏ, ban chuyên án đủ chứng cứ và dữ liệu để khẳng định Phòng và Vilaisack Vongsa chính là một người. Bị công ty chủ quản mời làm việc, ban đầu Phòng hơi ngập ngừng, bảo “không liên quan”, nhưng sau đó thừa nhận từng vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Vài ngày sau, Bộ Quốc phòng Lào đã làm thủ tục cho Phòng ra quân, bàn giao cho Công an tỉnh Nghệ An di lý về Việt Nam xử lý. Tại cơ quan điều tra, Phòng khai trước đây nhận thức hạn chế, vì hám lợi đã tham gia vào phi vụ buôn tiền giả với các đồng phạm cùng quê với mong muốn được đổi đời.
Theo một điều tra viên, Phòng thổ lộ đã nhiều đêm dằn vặt, hối hận, từng xác định tư tưởng “không trốn mãi được, sẽ có lúc quay về đầu thú”. Tuy nhiên, do vướng bận cuộc sống gia đình, áp lực nuôi hai con trưởng thành sau khi ly hôn vì vậy vẫn chưa thể sắp xếp thời gian trở về Việt Nam “trả án”.
“Quá trình di chuyển từ Lào về Nghệ An, Phòng nói hàng chục năm qua luôn sống trong sợ hãi, dù mang ‘vỏ bọc an toàn’ là một quân nhân mang hàm đại úy. Hiện nay tinh thần thoải mái hơn, dù biết sẽ đối mặt với án tù”, điều tra viên nói và cho hay Phòng có nguyện vọng trong thời gian tới sẽ được nhận lại nguồn cội, tiếp đó bàn bạc với họ hàng bên nội ở huyện Quế Phong tìm cách đưa hai con ở Lào về quê sống, bởi lúc bị bắt vẫn chưa thể dặn dò và nói lời tạm biệt chúng.
Đức Hùng