10 năm trước bạn bè tôi đi Nhật lương 20-30 triệu là bình thường, bây giờ đứa em họ tôi chỉ gửi chưa đến 10 triệu về để trả nợ.
“Năm ngoái, tôi có đứa em họ làm việc tại khu công nghiệp với mức lương 12 triệu đồng một tháng. Nghe môi giới thuyết phục, em quyết định sang Nhật, chi phí ban đầu là 180 triệu đồng. Khi sang, đồng yên hạ thấp, sau khi trừ ăn uống, em chỉ gửi được 9 triệu đồng về nhà để trả nợ.
10 năm trước, bạn bè tôi có 5 người đi Nhật, người xuất khẩu lao động, người du học. Thời điểm đó, nghe bạn kể lương 20-30 triệu mỗi tháng là chuyện bình thường.
Hiện tại, trong số 5 người, chỉ còn bạn kỹ sư ở lại Nhật. Những người khác mỗi người một nơi: người sang Anh, người sang Hàn, người sang Đức. Bạn tôi đi du học rồi làm quản lý nhà hàng tại Nhật cuối cùng cũng trở về Việt Nam, làm việc với mức lương chỉ 6 triệu đồng một tháng.
Đi lao động ở Nhật giờ không còn hấp dẫn, nhất là khi còn nhiều thị trường khác như Đài Loan hay Indonesia (ngành xây dựng, chi phí ban đầu khoảng 1.500 USD là có thể xuất cảnh)”.
Độc giả Vạn sự chia sẻ như trên, về câu chuyện đứa em họ bỏ việc làm lương 12 triệu đồng ở Việt Nam, đầu tư chi phí gần 200 triệu đồng để sang Nhật lao động. Bình luận này được viết trong bối cảnh Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật.
Theo một giám đốc trung tâm dạy tiếng Nhật cho lao động xuất khẩu, nói rằng không chỉ bị môi giới làm “rối loạn”, nguồn nhân lực hiện nay còn chịu nhiều tác động khác và sự khan hiếm còn có yếu tố thời kỳ. Trong đó phải kể đến việc “cách đây chục năm, lao động đi Nhật cầm 15-20 triệu đồng tiền lương quy đổi gửi về nước thấy rất to, ‘còn giờ đây không đáng kể’ bởi chi phí trong nước tăng quá nhanh. Ngày trước người đi ba năm, tích lũy đủ tiền về mua đất, cất nhà nhưng giờ đây “trả góp chung cư còn phải đắn đo.
Bạn đọc nickname ldovan.bn cho biết những điều sau đây làm nhiều người cân nhắc đi Nhật làm việc:
“Hiện nay, nhiều người làm thợ xây ở quê cũng kiếm được gần 500 nghìn một ngày (8 tiếng). Nếu mỗi tuần nghỉ 1 ngày, thu nhập mỗi tháng cũng xấp xỉ 13 triệu đồng, lại được gần nhà. Như vậy, để sang Nhật lao động, chí ít thu nhập sau thuế phải gấp đôi hoặc gấp ba thì mới đáng.
Chi phí môi giới quá cao, khiến người lao động mất một hai năm đầu để trả hết khoản này.
Tôi thắc mắc: Nếu Nhật thực sự có nhu cầu lao động cao, tại sao không mở các chi nhánh văn phòng tại Việt Nam? Những văn phòng này có thể cung cấp thông tin minh bạch về các vị trí, yêu cầu công việc và số lượng cần tuyển. Người lao động có thể trực tiếp ứng tuyển, vừa giảm khâu trung gian môi giới vừa đảm bảo quyền lợi cho họ”.
Độc giả nickname skywards88 nhận định:
“Thời năm 2011, tôi đi Nhật còn kiếm được tiền vì giá đồng yên cao. Còn bây giờ thì thôi, nếu mục đích chỉ là kiếm tiền, ở nhà làm việc tại công ty trong nước, ca kíp cũng kiếm được chừng ấy. Đồng yên yếu khiến lao động ở Nhật, dù cày cuốc mỗi tháng, cũng chỉ dành dụm được khoảng chục triệu đồng.
Chưa kể khoản tiền ban đầu người lao động phải nộp cho công ty môi giới, dao động từ 5.000 đến 6.000 USD. Lời hứa hẹn của các công ty môi giới ở nhà thì nghe như ‘trên trời’, nhưng khi sang Nhật mới vỡ lẽ”.
Mặc dù phía Nhật lẫn quy định pháp luật Việt Nam đã cắt giảm nhiều khoản phí nhưng doanh nghiệp vẫn không giảm cho lao động mà dành khoản đó cho môi giới để tìm nguồn. Do số tiền bỏ ra ban đầu lớn, lương quy đổi giảm, tiền gửi về không nhiều, lại phải dành cho trả nợ nên lao động không mặn mà, tìm đường đi nước khác.
Độc giả nickname linhhnhcm đề nghị:
“Ngành chức năng và các sở liên quan nên công khai rộng rãi danh sách các trung tâm có chức năng đào tạo và đưa người lao động đi nước ngoài. Khi đó, người lao động có thể tìm đến các trung tâm này và tránh nộp hồ sơ qua các công ty môi giới không được cấp phép, giảm rủi ro và chi phí.
Hiện nay, nhiều người muốn đi lao động nước ngoài nhưng không biết công ty nào được phép đưa người lao động đi. Họ buộc phải nộp hồ sơ qua các công ty môi giới với chi phí đắt đỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi học xong tiếng Nhật vẫn không được đi vì công ty không đảm bảo đúng cam kết”.
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết, câu chuyện xuất khẩu lao động về địa chỉ email: [email protected] hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp