Australia đổi chính sách cấp visa cho du học sinh

Australia đổi chính sách cấp visa cho du học sinh

AustraliaĐơn xin visa du học sẽ được xem xét theo mức độ ưu tiên, 80% hồ sơ ban đầu được xử lý trước, theo quy định mới.

Bộ Nội vụ Australia ngày 19/12 công bố Chỉ thị mới (MD111) liên quan việc giới hạn tuyển sinh quốc tế và có hiệu lực ngay.

MD111 được đưa ra sau khi Dự luật sửa đổi Dịch vụ giáo dục cho sinh viên nước ngoài (ESOS), vốn gây tranh cãi vì giới hạn tuyển sinh quốc tế, bị rút lại vào cuối tháng trước.

Theo đó, các đơn xin visa (thị thực) của du học sinh ở các đại học và trường nghề sẽ được xử lý theo mức “Ưu tiên 1 – Cao” cho đến khi trường đó đạt giới hạn do Bộ Giáo dục chỉ định – nhiều nhất là 80% của mức từng được đề xuất trong dự luật ESOS.

Các đơn xin thị thực sau ngưỡng này sẽ rơi xuống cuối hàng đợi, dưới các đơn của những trường chưa đạt ngưỡng, và được xử lý chậm hơn. Mức này gọi là “Ưu tiên 2 – Tiêu chuẩn”.

Sinh viên quốc tế tại Australia. Ảnh: VCG

Sinh viên quốc tế tại Australia. Ảnh: VCG

Trước đó, Chỉ thị MD107, được đề xuất lần đầu vào tháng 12/2023, phân loại các đại học tại Australia theo mức độ rủi ro để ưu tiên cấp thị thực. Tỷ lệ du học sinh bị từ chối thị thực sau đó tăng đáng kể, đặc biệt ở các trường bị đánh giá có ở mức rủi ro cao.

Ngoài ra, chính phủ dự kiến áp trần tuyển du học sinh với 38 đại học công lập. Trong đó, 15 trường bị giảm tuyển mới so với năm 2023, mức giảm cao nhất lên tới 52%.

Việc bãi bỏ Chỉ thị MD 107 được một số chuyên gia hoan nghênh. Theo Luke Sheehy, Tổng giám đốc điều hành Universities Australia với 39 đại học, điều này mang lại sự ổn định mà các trường đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, Hội đồng giáo dục đại học độc lập Australia (ITECA) cho rằng các giới hạn nghiêm ngặt với các trường dạy nghề tư nhân vẫn còn hiệu lực trong MD111. Trong khi nhiều tổ chức giáo dục nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước như một điểm đến đẳng cấp thế giới cho du học sinh.

Vicki Thomson, Giám đốc điều hành nhóm G8 – Liên minh 8 đại học hàng đầu, cũng lên tiếng chỉ trích. Theo bà, thay đổi chính sách liên tục có thể khiến sinh viên quốc tế nhầm lẫn. Điều này biến Australia trở thành điểm đến du học khó khăn và không cởi mở.

“Cơ sở của giới hạn ưu tiên chưa rõ ràng. Khó hiểu hơn nữa là việc ưu tiên xử lý thị thực phải dừng lại ở ngưỡng 80% chứ không phải cho toàn bộ”, bà nói.

Australia hiện là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất thế giới. Tính đến tháng 7, số sinh viên quốc tế ở đây là gần 944.000, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có hơn 44.000 du học sinh, xếp thứ 5.

Những thay đổi về thị thực du học diễn ra liên tiếp trong gần một năm qua, trong bối cảnh nước này muốn giảm người nhập cư. Tháng 5 năm nay, Australia nâng mức chứng minh tài chính du học lên 29.710 AUD (gần 500 triệu đồng), cao hơn 20% so với trước. Nước này cũng cấm chuyển đổi thị thực du lịch sang thị thực du học. Đến tháng 7, phí xét thị thực du học tăng hơn gấp đôi, lên 1.600 AUD (hơn 27 triệu đồng)

Năm 2025, nước này dự kiến cấp 270.000 thị thực du học, giảm hơn 53.000 so với năm ngoái. Thống kê cho thấy số thị thực được cấp từ tháng 10/2023 tới tháng 8 năm nay là 298.000, giảm 38% so với cùng kỳ.

Khánh Linh (Theo ICEF Monitor)