Tôi đang đóng bảo hiểm xã hội ở 1 công ty A rồi và tôi đã đóng được hơn năm rồi. Nay, tôi có làm thêm cho 1 công ty B nữa thì có phải làm sổ đóng bảo hiểm xã hội ở công ty B nữa không?
Trả lời:
– Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội quy định
“1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.
3. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.
4. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”.
– Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội
“1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định”.
– Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thì:
“Người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động-Bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động”.
Theo quy định thì Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Như vậy, khi làm việc cùng lúc tại 2 công ty thì bạn đóng BHXH tại công ty làm việc đầu tiên (Công ty A). Do đó, bạn không phải làm sổ đóng BHXH tại công ty B nữa.
Như Quỳnh
Đỗ Như Quỳnh