Người lao động được khuyến cáo cần chuẩn bị giấy tờ cần thiết, cả kỹ năng nghề để khi trở về có thể sớm tìm được việc phù hợp – Ảnh: C.TRIỆU
Với nhiều người, xuất khẩu lao động là con đường tương đối khả quan khi giúp họ vượt cảnh khó khăn, công việc thuận lợi mà nếu tích lũy tốt lại còn có khoản vốn cũng khá. Chưa kể còn có kỹ năng và chứng nhận nghề nghiệp quốc tế hẳn hoi nhưng bức tranh không phải với ai cũng toàn màu hồng.
Loay hoay đổi nghề mãi chưa ổn
Năm 2017, chị Ngọc Thúy (32 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) quyết định đi xuất khẩu lao động với hy vọng đổi đời. Toàn bộ thời gian làm việc bên đó đều trên đồng ruộng, khi nắng hanh lúc rét buốt âm độ. Hiếm lắm mới có hôm chị được làm sạch và đóng gói nông sản trong xưởng.
Công việc nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt nhưng lương cao, tính ra tiền Việt cũng gần 30 triệu đồng/tháng nên chị cố gắng. Dù muốn ở lại tiếp nhưng hợp đồng lao động hết hạn nên Thúy buộc phải hồi hương năm 2020 và “trôi dạt khắp nơi kể từ khi về nước” như chị nói.
Sau ba năm đi xuất khẩu lao động, ngoài khoản tiết kiệm gần 800 triệu đồng còn lại khi trừ các khoản chi phí liên quan, chị Thúy nói thứ duy nhất tích lũy được là “cách làm đồng rất Nhật Bản”. Ngặt nỗi bản thân làm gì có đất, còn làm đồng thuê thì sức khỏe không cho phép và cũng không giống bên Nhật.
Thúy dùng tiền tích cóp mua xe lôi đi bán quần áo dạo cho công nhân ở các khu công nghiệp. Nhưng được hai tháng thì nghỉ vì đồ thời trang phải theo xu hướng, kén khách mà chị theo không kịp. Tiếp tục lấn sân sang mở tiệm trà sữa, cà phê mang đi, trái cây lề đường… nhưng cũng chẳng ăn thua.
Mỗi lần tự mở hướng làm ăn cũng tiêu tóp dần khoản tích cóp bấy lâu. Cuối cùng Thúy đành chọn và hiện đang làm công nhân may, nhận lương theo ngày cho một xưởng may gia đình. “Mình không năng khiếu, cũng thiếu kinh nghiệm về may mặc nên thu nhập chỉ tạm đủ qua ngày”, Thúy buồn bã.
Trường hợp khác, anh Nghĩa (trọ quận Bình Tân, TP.HCM) kể từng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Bên đó anh làm phụ hồ xây dựng nhưng kinh nghiệm ấy không giúp gì được nên dù trở về hai năm rồi vẫn mãi chật vật. “Làm thợ phụ bên Hàn Quốc có máy móc làm phần nhiều trong khi bên mình toàn dùng sức người, tôi theo không nổi”, Nghĩa bộc bạch.
Không bám được nghề cũ, Nghĩa theo bạn đi bán cá viên chiên quanh các trường học khi ở quận Bình Tân, lúc qua huyện Bình Chánh. Thấy bạn bè làm cũng ổn nhưng Nghĩa nhảy vào lại liên tục ế bởi các bạn theo nghề cả chục năm, trong khi Nghĩa là lính mới, chiên xào chưa quen tay nên kén khách.
Người xuất khẩu lao động khi trở về cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường lao động trong nước để chọn cho phù hợp – Ảnh: HÀ QUÂN
Đi ngách nhỏ nhưng hiệu quả
Cũng từng làm thợ hồ tại Hàn Quốc nhưng Minh Nhật (33 tuổi) hiện có công việc ổn, lương khá cao. Khi trở về, kế hoạch Nhật vạch ra là kiếm những doanh nghiệp xây dựng của Hàn Quốc để làm việc. May mắn có quen một số ông thầu biết thông tin và quen các doanh nghiệp Hàn có công trình tại TP.HCM nên Nhật được hỗ trợ.
“Lúc qua đó tôi chủ động vừa làm vừa học tiếng nên khi về nước cũng tự tin hơn để ứng tuyển vào các công ty Hàn Quốc. Họ cần người Việt biết tiếng Hàn sẽ dễ trao đổi công việc hơn. Tôi làm được nên lương với phụ cấp cũng cao, lại được làm nhiều việc nhẹ hơn”, Nhật khoe.
Vấn đề là không phải ai cũng biết tự vạch lộ trình cho mình khi về hay đủ sức bơi qua ngách nhỏ như Nhật. Không tiết lộ cụ thể song Nhật cười nói lương hiện tại chỉ thấp hơn lúc nhận tại Hàn Quốc chừng 7 triệu đồng/tháng. Đổi lại chi phí sinh hoạt, ăn ở thấp hơn mà được làm việc trong nước với người cùng tiếng nói, cùng văn hóa.
Là điều dưỡng từng qua Hàn Quốc làm việc, chị Ngọc Bích (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đã tranh thủ trong năm năm đó học thêm một số chứng chỉ nghề nghiệp liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Phần nào am hiểu cách làm đẹp kiểu “rất Hàn” nên Ngọc Bích cho biết khá tự tin khi trở về.
Không lâu sau ngày về nước, Bích đã được một viện thẩm mỹ có tiếng ở TP.HCM nhận vào. Công việc trợ lý bác sĩ chính, có kinh nghiệm và chủ động từ trước nên với chị không quá khó khăn. “Quy đổi dĩ nhiên lương không thể bằng như làm bên đó nhưng tôi rất hài lòng với công việc và thu nhập hiện tại”, Ngọc Bích nói.
Lưu ý khi xuất khẩu lao động về
Người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được rèn luyện các kỹ năng khác như ngoại ngữ, kinh nghiệm, tác phong việc làm… Những điều này cần được lao động tận dụng khi về nước và áp dụng những kỹ năng, kiến thức một cách hợp lý khi tham gia thị trường lao động trong nước.
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM lưu ý người lao động cần chuẩn bị các tài liệu chứng minh kinh nghiệm làm việc (giấy chứng nhận, thư giới thiệu, chứng chỉ…), đồng thời cập nhật kiến thức mới hoặc nâng cao trình độ tay nghề, nắm bắt xu hướng và yêu cầu mới trong lĩnh vực mình đã làm.
Ngoài ra tìm hiểu cách làm việc, phong cách quản lý, quy trình tại Việt Nam là điều rất cần thiết để người lao động khi trở về có thể gia nhập thị trường lao động trong nước một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Thêm thông tin để chủ động chọn việc
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, qua thống kê cho thấy số lao động là công dân tại TP.HCM đi làm việc ở các nước trong giai đoạn 2023-2024 là 3.772 người. Trong đó 984 người hết hạn hợp đồng hoặc về nước trước thời hạn. Thị trường được đa số người lao động chọn đi làm việc là Đài Loan, Nhật Bản, Macau, Hàn Quốc.
Với người lao động có nhu cầu tự tạo việc làm, TP.HCM sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP cũng cung cấp đầy đủ thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng để người lao động chủ động chọn việc phù hợp.
Người lao động tại TP.HCM có thể tìm hiểu thông tin về việc làm tại trang thông tin điện tử của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM (https://hochiminhcity.gov.vn) hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP (https://vieclamhcm.com.vn).