Giành học bổng 8,5 tỷ đồng với bài luận kể chuyện lặn biển

Giành học bổng 8,5 tỷ đồng với bài luận kể chuyện lặn biển

Lâm Uyên chinh phục Đại học Dartmouth, top 15 Mỹ, bằng bài luận chính kể về sở thích lặn biển, điểm xuất sắc chương trình tú tài quốc tế (IB) và nhiều dự án xã hội.

Sớm 14/12, Phí Ngọc Lâm Uyên, lớp 12 trường Phổ thông liên cấp Olympia, trằn trọc, không thể ngủ sâu vì biết đây là ngày Đại học Dartmouth công bố kết quả đợt tuyển sinh sớm. Dartmouth là một trong 8 đại học Ivy League, nhóm tinh hoa của Mỹ. Theo US News, Dartmouth đang đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng tốt nhất nước Mỹ.

Kiểm tra hòm thư lúc 3h nhưng chưa thấy mail, Uyên thấp thỏm đợi tới 5h sáng. Thấy dòng chữ “Congratulations” (Chúc mừng), Uyên “tỉnh luôn”, vội thông báo kết quả cho gia đình. Không chỉ trúng tuyển, cô gái sinh năm 2007 còn được học bổng 336.000 USD trong bốn năm, tương đương 8,5 tỷ đồng.

“Dartmouth là ngôi trường ước mơ của em, nên kết quả này thực sự khiến em vỡ òa”, Uyên nhớ lại.

Lâm Uyên tại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lâm Uyên tại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh dự tuyển Đại học Dartmouth trong đợt tuyển sớm (Early Decision). Đợt này yêu cầu ứng viên chỉ được nộp một trường, nếu trúng tuyển bắt buộc nhập học. Dù thích Dartmouth nhất, Lâm Uyên ban đầu lưỡng lự vì sợ rằng thành tích của mình chưa đủ tốt. Tuy nhiên, khi nhận được bảng điểm dự đoán từ các thầy cô ở trường, Uyên có thêm tự tin.

“Tổng điểm các môn IB mà em học tại Olympia đang có dự báo (predicted) là 45/45. Đây là ưu điểm khi ứng tuyển các trường đại học top đầu Mỹ nên em quyết định thử sức”, Uyên chia sẻ và cho biết, quyết định này có sự ảnh hưởng khá lớn từ thầy Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Olympia, người đã rất tin tưởng và động viên em mạnh dạn vượt qua rào cản của bản thân.

Ngoài điểm IB ấn tượng, ngay từ lớp 10, Uyên còn đạt 1.540/1.600 SAT (bài thi chuẩn hóa dành cho học sinh ứng tuyển đại học Mỹ), thuộc top 1% cao nhất thế giới.

Chia sẻ về lý do thích Dartmouth, Uyên cho biết trường hay có các hoạt động mang tính phiêu lưu, khám phá. Điều này phù hợp với sở thích của em khi rất đam mê viết truyện phiêu lưu và lặn biển. Đây cũng là chủ đề mà nữ sinh đề cập trong bài luận chính của mình.

Uyên kể, năm 12 tuổi, em lần đầu được thử sức với bộ môn lặn biển trong chuyến du lịch ở Phú Quốc. Ban đầu, Uyên thấy rất khó để làm quen vì phải cùng lúc điều chỉnh nhịp thở, theo dõi độ sâu, thời gian lặn, cùng các thông số về áp suất; nhưng khi đã quen, nữ sinh thích thú với cảm giác ở đáy biển, xung quanh có nhiều động vật và san hô đủ màu sắc. Từ đó mỗi lần có dịp đi biển, Uyên có thể dành cả ngày để lặn mà không chán.

Sở thích này giúp Uyên thấy tầm nhìn, thế giới quan của mình được rộng mở. Quá trình học lặn cũng giúp nữ sinh tự tin và bản lĩnh hơn, trong khi trước kia, em thấy mình nhút nhát và hướng nội. Ngoài ra, hoạt động này cũng cho em kiến thức và hiểu hơn về sinh thái dưới mặt nước.

Để hoàn thành bài luận, Uyên viết trong một tháng và phải sửa nhiều lần. Dù vậy, việc chỉnh sửa chủ yếu là cách dùng từ, diễn đạt, còn chất liệu chính là sở thích lặn biển được em giữ nguyên.

Vì ứng tuyển ngành Hoá sinh, hồ sơ của Uyên còn đề cập nhiều thành tích về nghiên cứu khoa học và các giải thưởng học thuật liên quan.

Năm lớp 11, nữ sinh có dịp tham gia một dự án nghiên cứu về tác động của phân bón lên các thành phần hóa học của tinh dầu húng quế. Nghiên cứu sau đó được đăng trên một tạp chí khoa học cấp độ Q2 – chỉ sau nhóm Q1 về độ uy tín. Uyên giải thích, do hai mẹ con đều thích và thường sử dụng tinh dầu, nên em cũng muốn tìm hiểu về quá trình sản xuất cũng như các thành phần hóa học của sản phẩm này.

Trong năm 2023, Uyên còn góp mặt tại AI-JAM US, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức thường niên tại thung lũng Silicon, Mỹ. Nhóm của Uyên dự thi trực tuyến, nghiên cứu phương pháp tạo ra thiết bị sử dụng công nghệ in 3D về các bộ phận cơ thể người. Dự án này sẽ giúp tạo ra mô hình các bộ phận để sử dụng trong học tập, nghiên cứu, được trao giải vàng chung cuộc.

Với các hoạt động xã hội, Uyên tâm đắc nhất dự án viết sách dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho các học sinh gốc Việt. Ý tưởng này được Uyên xây dựng dựa vào chính trải nghiệm thực tế của mình. Là học sinh chương trình quốc tế, Uyên được học bằng tiếng Anh, cũng thường xuyên tiếp xúc với kiến thức, văn hóa của nhiều quốc gia. Nữ sinh luôn nhắc nhở mình không được quên bản sắc quê hương, nên thời gian thực hiện dự án cũng giúp em cân bằng giữa yếu tố quốc tế với Việt Nam trong cuộc sống.

Dự án của Uyên được hỗ trợ bởi một họa sĩ người Pháp gốc Việt về phần hình ảnh minh họa. Còn em cùng một số bạn bè phụ trách nội dung, trình bày và kết nối tới cộng đồng học sinh gốc Việt trên thế giới.

Lâm Uyên thuyết trình một dự án trước các giáo viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lâm Uyên thuyết trình một dự án trước các giáo viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Uyên, hồ sơ du học của em có sự cân bằng giữa các yếu tố. Em cho thấy mình yêu thích và có khả năng học được Hoá sinh bằng các nghiên cứu, giải thưởng quốc tế; đồng thời vẫn dành sự quan tâm cho các vấn đề xã hội và biết cách cân bằng việc học với giải trí.

Thầy Nguyễn Phương Duy, thành viên ban giám hiệu cấp THPT và là giáo viên môn Hóa của chương trình IB, trường Olympia, nhận xét Uyên có sự đam mê lớn với khoa học. Trong khi nhiều bạn học các môn về kinh doanh, Uyên chọn Hóa và học một mình với thầy suốt thời gian qua.

“Lựa chọn của Uyên không chỉ đến từ sở thích, mà còn xuất phát từ mong muốn khám phá, ứng dụng kiến thức để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Con không chọn con đường dễ dàng, mà chọn môn giúp mình phát triển tư duy phân tích, khả năng sáng tạo và hơn hết là thoả mãn niềm đam mê tìm hiểu thế giới tự nhiên”, thầy Duy chia sẻ.

Cô Lê Thị Trần Hương, giáo viên phụ trách học thuật chương trình tích hợp của trường Olympia, là cố vấn của Lâm Uyên. Cô giáo nhận xét Uyên có thế mạnh vượt trội về chiều sâu tư duy với trí nhớ tốt, khả năng tổng hợp thông tin và khái niệm trừu tượng. Uyên không gặp khó với môn học nào, có thể học tốt cả Toán, Hóa lẫn Tâm lý, Văn học.

Theo cô Hương, Uyên có tính độc lập cao, không dựa dẫm vào thầy cô. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, em chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, kết nối với các anh, chị để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, em còn rất khiêm tốn và giản dị.

“Biết Uyên trúng tuyển Đại học Darmouth với mức học bổng lớn, tôi vô cùng hạnh phúc và tưởng tượng được con đã phấn khích đến thế nào khi được nhận vào ngôi trường mơ ước”, cô Hương nói.

Theo kế hoạch, Uyên sẽ đến Mỹ vào tháng 8/2025 để bắt đầu hành trình đại học tại Dartmouth. Hiện, em vẫn duy trì chương trình học trên lớp để đảm bảo kết quả học.

Nữ sinh nói vẫn muốn theo đuổi nghiên cứu Hoá sinh trong tương lai, song chưa xác định hướng đi cụ thể. Ngoài ra, em sẽ tìm hiểu thêm về cấu trúc, nguyên lý hoạt động của não bộ con người để giải quyết các vấn đề tâm lý.

Thanh Hằng