Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối

Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối

Mất đi ánh sáng cuộc đời

Từ nhỏ thị lực của Thanh đã yếu, đến năm học lớp 12 thì gần như mất đi hoàn toàn. “Mình bị cườm nước glaucoma, nên thị lực mất dần theo thời gian. Lúc biết được bản thân sẽ mất đi hoàn toàn thị lực, mình rất sốc”, chàng trai khiếm thị chia sẻ.

Dù gặp khó khăn về thị lực nhưng Thanh vẫn kịp hoàn thành bậc THPT và thi vào ngành kỹ thuật điện tử của Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, học kỳ đầu tiên Thanh đã phải bỏ học vì mất đi hoàn toàn thị lực. Nghỉ học, Thanh gần như rơi vào trạng thái suy sụp, hằng ngày chỉ biết làm bạn với chiếc radio. Hai năm sau, Thanh tìm hiểu và đến Hội Người mù tỉnh Bình Dương để sinh hoạt kỹ năng và học chữ nổi.

Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối- Ảnh 1.

Bùi Nhật Anh Thanh

Được vài người bạn cùng cảnh ngộ giới thiệu, Thanh xin vào Mái ấm Thiên Ân, Q.Tân Phú (TP.HCM) để sinh hoạt. Tại đây, Thanh được học kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cho người khiếm thị. Dần hòa nhập được với cuộc sống của người khiếm thị, Thanh nghĩ đến chuyện đi học.

“Những ngành ở bậc đại học mà người khiếm thị có thể tham gia không nhiều. Trước đây, mình thích văn hóa Nhật Bản nên quyết tâm theo học ngôn ngữ này”, Thanh nói. Năm 2016, Thanh xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Nhật của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Những ngày đầu, Thanh gặp vô số khó khăn từ việc đi đứng, làm quen với bạn bè. “Trong lớp, chỉ có mình là người khiếm thị”, Thanh kể.

Thanh vào ở ký túc xá của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Q.11 (TP.HCM), hằng ngày đón xe buýt đến trường. Khó khăn lớn nhất của Thanh là ngành ngôn ngữ Nhật không có giáo trình chữ nổi dành cho người khiếm thị. Thanh hoàn toàn học trên máy tính thông qua sự hỗ trợ của phần mềm chuyên dụng.

Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối- Ảnh 2.

Thanh hy vọng sẽ tìm được công việc phù hợp với trình độ chuyên môn hiện tại

ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

Học đến năm thứ 2, Thanh gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập vì không theo kịp bạn bè. Nguyên nhân lớn nhất đến từ việc Thanh không thể đọc được giáo trình bằng giấy. Thanh vẫn tham gia thi đề giống với những sinh viên bình thường, nhưng hình thức nộp bài bằng văn bản đánh trên máy tính chứ không phải viết tay. “Mình từng hoài nghi bản thân và bị rớt nhiều môn”, Thanh kể lại.

Tuy khó khăn nhưng Thanh vẫn cố gắng tiếp tục việc học, vì đó gần như là con đường duy nhất giúp chàng trai trẻ có được tương lai tốt hơn. Sau đó, Thanh tìm thêm tài liệu trên internet và có được giáo trình dạy tiếng Nhật cho người khiếm thị. Từ đó, Thanh đã mày mò học và đạt được N2, trình độ khó thứ hai trong 5 cấp độ của kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT. “Mình từng thi 3 lần mới đạt N3 và N2. Mình đang cố gắng để đạt được N1”, Thanh chia sẻ.

Nộp CV xin việc đều bị từ chối

Sau 5 năm phấn đấu, vào năm 2021, Thanh tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nhật của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Có được bằng cấp, Thanh hào hứng tìm cho mình một công việc văn phòng liên quan đến dịch thuật hoặc trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật. Tuy nhiên, hy vọng và nhiệt huyết của chàng trai trẻ nhanh chóng bị dập tắt khi CV của Thanh liên tục bị các nhà tuyển dụng từ chối. Lý do lớn nhất vì Thanh là người khiếm thị.

Chàng cử nhân khiếm thị từng bị 30 công ty từ chối- Ảnh 3.

Thanh (nam áo trắng) thường xuyên tham gia các hoạt động dành cho người khiếm thị

“Mình đã nộp CV, đến phỏng vấn trực tiếp hơn 30 công ty và đều bị từ chối. Mình từng được giới thiệu làm nhân viên trực tổng đài cho một dự án phi lợi nhuận hỗ trợ người khiếm thị trong 6 tháng. Tại đây, mình nhận thấy năng suất của người khiếm thị thật sự thấp hơn người bình thường. Quá trình vận hành hệ thống hỗ trợ người khiếm thị làm việc cũng rất vất vả. Từ đó, mình hiểu lý do tại sao bản thân bị từ chối”, Thanh chia sẻ.

Bị từ chối, Thanh trở về quê tại tỉnh Bình Dương để sinh sống. Tại đây, Thanh tận dụng mạng xã hội để mở những lớp dạy tiếng Nhật trực tuyến. Công việc này giúp Thanh có thêm thu nhập và nuôi hy vọng sẽ được làm việc tại một đơn vị nào đó. Ngoài thời gian dạy tiếng Nhật trực tuyến, Thanh còn học thêm massage để tăng cơ hội có việc làm trong tương lai.

Tham gia lớp học tiếng Nhật trực tuyến của Thanh, Lê Hồng Anh, sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Cách tiếp cận bài học của anh Thanh rất sinh động, không khô khan. Ngoài chuyên môn vững, hành trình cố gắng của anh Thanh trong cuộc sống cũng truyền động lực học tập cho mình và những bạn khác”.