TP HCMSCB phải phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để quản lý 1.120 mã tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan; khi xử lý phải có VKSND Tối cao, Bộ Công an… giám sát.
Trưa 3/12, TAND Cấp cao tại TP HCM đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
HĐXX cũng giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định trong 10 năm thâu tóm SCB bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022 (khởi tố vụ án), nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án, một số khoản vay đã được tất toán, số tiền bà Lan có trách nhiệm bồi thường còn 673.000 tỷ đồng – là dư nợ của 1.243 khoản vay.
Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên, phong tỏa các tài sản liên quan đến bà Lan, trong đó bao gồm cổ phần của bà Lan tại SCB. Nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc xử lý số cổ phần này, sẽ được giải quyết bằng vụ án khác.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ Công an, VKS, cơ quan thi hành án cùng giám sát tài sản ‘khủng’
Đối với 1.120 mã tài sản được dùng để bảo đảm cho 1.243 khoản vay của bà Lan tại SCB – tòa sơ thẩm giao cho ngân hàng quản lý để xử lý nợ, song HĐXX phúc thẩm không chấp nhận.
Theo đó, TAND Cấp cao tại TP HCM sửa án sơ thẩm, buộc SCB phải phối hợp cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý khối tài sản này. Việc xử lý các tài sản phải được thực hiện dưới sự giám sát của VKSND Tối cao, Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) và cơ quan thi hành án, để đảm bảo hiệu quả thu hồi tốt nhất.
Khi SCB xử lý tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với C03 để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của bà Lan thì sử dụng vào các nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.
HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà Lan về việc xin giải tỏa kê biên biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần, quận 1; tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ; nhà đất 21-21A Trần Cao Vân, quận 3…. Quá trình xét xử, bà Lan cho rằng những tài sản này không thuộc sở hữu của mình, không liên quan đến vụ án, song HĐXX xác định bản chất những tài sản này là của bị cáo, nên tiếp tục kê biên để thi hành nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.
Biệt thự cổ trị giá 700 tỷ đồng của bà Lan tiếp tục bị kê biên. Ảnh: Quỳnh Trần – Thanh Tùng
Nhiều tài sản, tiền chưa được làm rõ
Đối với dự án 6A, khu Trung Sơn, Bình Chánh, bà Lan nói cho SCB mượn để tái cơ cấu, đề nghị tòa buộc ngân hàng trả lại. Bà cũng tự nguyện dùng tài sản này để khắc phục hậu quả của vụ án. Theo tòa, vấn đề này chưa được cấp sơ thẩm xem xét nên cấp phúc thẩm không có căn cứ giải quyết. Tuy nhiên, các nghĩa vụ của bà Lan phải thi hành trong vụ án là đặc biệt lớn, nên việc xử lý tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Tương tự, tại phiên phúc thẩm, bà Lan đề nghị SCB hoàn trả số tiền 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ nhưng SCB cho rằng từ tháng 7/2021 số tiền này đã “hòa vào dòng tiền chung” của SCB, ngân hàng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý về việc cấp chứng nhận cho cổ đông. Theo HĐXX, vấn đề này chưa được cấp sơ thẩm điều tra làm rõ, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ để xem xét. Do đó, nếu có tranh chấp phát sinh thì các bên khởi kiện bằng một vụ án khác.
HĐXX cũng cho rằng bà Lan không đủ điều kiện được miễn án phí theo quy định, nên không chấp nhận đơn xin miễn 674 tỷ đồng án phí của bị cáo.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ thiệt hại. Do đó, tiền các bị cáo khác tự nguyện khắc phục hậu quả được tòa ghi nhận khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Lan.
Dự án Mũi Đèn Đỏ bị kê biên trong vụ án. Ảnh: Quỳnh Trần – Thanh Tùng
SCB không được quản lý tài sản thế chấp của những người liên quan
Đối với kháng cáo của SCB yêu cầu bà Lan phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vụ án đến khi hoàn thành nghĩa vụ, HĐXX phúc thẩm cho rằng không có căn cứ chấp nhận. Bởi các hợp đồng tín dụng vay tiền của SCB đều được các bị cáo làm khống, không đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Các yêu cầu khác của SCB về việc tiếp tục được quản lý một số tài sản thế chấp của những người liên quan cũng không được tòa chấp nhận, do các nghĩa vụ này đã được tính vào trách nhiệm bồi hoàn của bà Lan.
Đối với yêu cầu kháng cáo của một số người liên quan như: Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long (thuộc tập đoàn Tuần Châu, người liên quan); Công ty Phương Trang, Hồng Phát… tòa giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm. Tức là, tòa tuyên hủy các thỏa thuận khung, buộc các công ty này phải hoàn trả số tiền đã nhận của bà Lan và sẽ được nhận lại các tài sản khi hoàn thành nghĩa vụ thi hành án.
>> Mức án cụ thể của các bị cáo
Về trách nhiệm hình sự đối với bà Lan, HĐXX xác định vụ án này đặc biệt lớn, bị cáo phạm nhiều tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù tại tòa phúc thẩm bị cáo có chuyển biến sâu sắc về nhận thức, thành khẩn nhận tội, tích cực khắc phục hậu quả vụ án nhưng nhiều tài sản đưa vào chưa đủ pháp lý, chưa đảm bảo việc đã khắc phục 3/4 hậu quả vụ án… nên không có cơ sở giảm nhẹ tội Tham ô tài sản; Đưa hối lộ.
Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên giảm cho bà Lan từ 20 năm tù xuống 16 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; giữ nguyên án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt bà Lan phải nhận là tử hình.
Cựu cục trưởng thanh tra NHNN Đỗ Thị Nhàn và 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng và Võ Tấn Hoàng Văn bị y án chung thân.
Tòa chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên giảm án cho ông Chu Lập Cơ ( chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) và một số bị cáo. Đối với các cựu lãnh đạo SCB khác, tòa giảm nhẹ một phần hình phạt về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Tham ô tài sản.
Hải Duyên – Quốc Thắng