Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030 của Học viện Tư pháp

Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030 của Học viện Tư pháp

Đề án với mục tiêu tổng quát là: “Khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực”. Mục tiêu cụ thể được xác định phù hợp với 02 giai đoạn thực hiện Đề án.

Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030 của Học viện Tư pháp ảnh 1

TS. Nguyễn Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp

Giai đoạn từ năm 2022-2025: Mỗi năm tuyển sinh đào tạo 3.600 học viên các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp (luật sư: 2.000; công chứng viên: 1.000; chấp hành viên: 150; đấu giá viên: 100; thừa phát lại: 100; đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư: 200; đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: 50); tuyển sinh bồi dưỡng hơn 5.000 học viên (luật sư: 300; công chứng viên: 300; thừa phát lại: 50; nghiệp vụ thi hành án cho kế toán nghiệp vụ thi hành án: 100; nghiệp vụ tư pháp – hộ tịch: 200; theo tiêu chuẩn ngạch công chức: 1.150; theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: 50; trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý: 500; kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm: 1.600; kiến thức và kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ pháp luật, pháp chế: 100; tiếng Anh pháp lý: 100-150…).

Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030 của Học viện Tư pháp ảnh 2

Tập thể cán bộ, viên chức Học viện Tư pháp

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như: Phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống học liệu; Số hóa được 50% bài giảng và 70% giáo trình, hồ sơ tình huống; Áp dụng các phương pháp dạy – học tiên tiến, hiện đại; Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 85 giảng viên, trong đó giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 20%; Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; Hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng và tổ chức tự đánh giá; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng; Tiếp tục củng cố, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước; Phát triển cơ sở vật chất theo hướng từng bước xây dựng mô hình trường học thông minh với hệ thống quản trị hiện đại…

Định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030 của Học viện Tư pháp ảnh 3

Giai đoạn từ năm 2026-2030: Mỗi năm tuyển sinh đào tạo từ 2.700 đến khoảng 3.800 học viên các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp (luật sư: 1.000-1.500; công chứng viên: 600-800; chấp hành viên: 150; đấu giá viên: 100; thừa phát lại: 100; đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư: 200; đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: 100; thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, đăng ký viên giao dịch bảo đảm, trợ giúp viên pháp lý, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, trọng tài viên thương mại, hòa giải viên thương mại, công chức tư pháp – hộ tịch, quản tài viên, mỗi chức danh từ 50-100); tuyển sinh bồi dưỡng hơn 5.000 học viên như giai đoạn 2022-2025.

Các biện pháp cần thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này là: Nâng tầm chất lượng, hiệu quả thực hiện các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2022-2025 theo hướng phát triển hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống tổ chức quản trị đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thông minh, linh hoạt, số hóa một cách tối đa các hoạt động giảng dạy, học tập và quản trị đào tạo, bồi dưỡng; Đến năm 2030 số hóa được 70% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống; Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 105 giảng viên, nâng tổng số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 25%; Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước; Xây dựng thêm trụ sở mới tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Từ những mục tiêu, nhiệm vụ được giao ở 02 giai đoạn trên cho thấy, định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp đến năm 2030 là: (i) Tiếp tục thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ tại Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 mà chưa thực hiện hết hoặc chưa thực hiện được trên cơ sở có sự điều chỉnh hợp lý; (ii) Bổ sung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới phù hợp với bối cảnh và yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới.

1. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” được phê duyệt theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg

– Tổ chức đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp như giai đoạn 2014-2020, gồm: đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; đào tạo nghề luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại. Chỉ tiêu đào tạo cụ thể từng chức danh được điều chỉnh cho phù hợp ở từng giai đoạn, theo hướng giảm dần tổng chỉ tiêu đào tạo luật sư và công chứng viên, tăng dần quy mô đào tạo theo chương trình chất lượng cao và tăng dần quy mô đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Định hướng này được xác định trên cơ sở rà soát và dự báo nhu cầu đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong thời gian tới, trong đó có tính đến cả khả năng đa dạng hóa các cơ sở đào tạo nghề luật ở nước ta.

– Tổ chức đào tạo thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, trọng tài viên, hộ tịch viên, trợ giúp viên pháp lý, đăng ký viên biện pháp bảo đảm.

Nhiệm vụ này đã được xác định tại Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013, tuy nhiên trên thực tế không tổ chức thực hiện được do chưa có quy định của pháp luật về đào tạo nguồn các chức danh này (mới dừng lại ở việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn). Với định hướng hoàn thiện thể chế pháp lý có liên quan để chuẩn hóa tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với các chức danh này thì việc trải qua khóa đào tạo nghề bắt buộc trước khi được bổ nhiệm/công nhận là cần thiết.

– Tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp (theo Kế hoạch của Bộ); bồi dưỡng công chức, viên chức cho các Bộ, ngành khác và các địa phương khác (theo nhu cầu xã hội); bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế cho các cơ quan, doanh nghiệp (theo nhu cầu xã hội). Chỉ tiêu bồi dưỡng cụ thể được điều chỉnh giảm cho phù hợp với tình hình mới.

– Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đến năm 2030 là 105 giảng viên. Tuy nhiên, điều chỉnh tỷ lệ giảng viên cơ hữu giữ chức danh tư pháp xuống còn 25%.

– Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

– Tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

2. Bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ mới

Các mục tiêu, nhiệm vụ mới được đưa vào Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” phù hợp với định hướng, chủ trương đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là định hướng, chủ trương về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, về đổi mới giáo dục, đào tạo, về công tác cán bộ… Các mục tiêu, nhiệm vụ mới bao gồm:

– Tổ chức đào tạo 03 chức danh mới: Thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, Hòa giải viên thương mại, Quản tài viên. Như vậy, cùng với 06 chức danh chưa tổ chức đào tạo được trong giai đoạn 2014-2020 (đã đề cập ở trên), giai đoạn 2022-2030 Học viện Tư pháp sẽ tổ chức đào tạo thêm 09 chức danh mới. Tuy nhiên, mục tiêu, nhiệm vụ mới này chỉ có thể thực hiện được khi thể chế pháp lý liên quan đến các chức danh này có sự sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp. Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại, Luật Hộ tịch, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phá sản… cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng chức danh, trong đó cần xác định đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng nghề là tiêu chuẩn bắt buộc trong việc bổ nhiệm/công nhận/cấp chứng chỉ hành nghề đối với mỗi chức danh. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đắc lực nâng cao chất lượng đầu vào của các chức danh nêu trên và sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành nghề của mỗi chức danh trên thực tế.

– Tăng chỉ tiêu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế được bắt đầu triển khai tại Học viện Tư pháp từ năm 2017 trên cơ sở Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phụ vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Từ đó đến nay nhu cầu tham gia chương trình đào tạo này càng ngày càng lớn và chương trình đã tạo được tiếng vang trong giới luật sư nói riêng và xã hội nói chung. Phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu, rộng tất yếu hiện nay, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án theo hướng tăng cường chỉ tiêu và chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, đủ năng lực tham gia giải quyết các vụ, việc có yếu tố nước ngoài, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

– Thí điểm đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại trong giai đoạn 2021-2025, chính thức trong giai đoạn 2026-2030.

Hoạt động nghề nghiệp của chấp hành viên và thừa phát lại có nhiều điểm chung. Trong hoạt động nghề nghiệp nếu chấp hành viên và thừa phát lại hiểu biết sâu về nghề nghiệp của nhau chính là thuận lợi lớn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chức danh, thậm chí còn tạo cơ hội tốt cho việc chuyển đổi nghề nghiệp khi có nhu cầu. Tham gia chương trình đào tạo này, người học sẽ tích lũy được đạo đức, nghiệp vụ, kỹ năng nghề của cả hai chức danh; thời gian đào tạo được rút ngắn so với tổng thời gian đào tạo nghiệp vụ thi hành án và đào tạo nghề thừa phát lại hiện nay sẽ giúp người học tiết kiệm được khá nhiều chi phí về thời gian, công sức, tài chính cho việc học, đồng thời tạo ra cơ hôi lớn về nghề nghiệp cho người học. Lợi ích lớn hơn của việc đào tạo chung này là tạo nguồn chấp hành viên ngay từ khâu tuyển dụng công chức của ngành Thi hành án dân sự. Đối với những người đã tham gia chương trình đào tạo này, khi được tuyển dụng vào ngành Thi hành án dân sự họ có thể làm việc được ngay, không mất thời gian và chi phí đào tạo của Ngành, đồng thời có sẵn nguồn để bổ nhiệm chấp hành viên sơ cấp hoặc các chức danh khác phù hợp của ngành Thi hành án dân sự.

– Bổ sung mục tiêu mở rộng phạm vi đào tạo, bồi dưỡng tại địa bàn các tỉnh phía Nam nhằm khai thác tối đa và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế sôi động tại khu vực này, đồng thời tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhằm bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp tại chỗ cho các địa phương này và giảm chi phí cho người dân, xã hội.

Để thực hiện được một cách hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới nêu trên, các mục tiêu, nhiệm vụ mới với ý nghĩa tạo tiền đề, tạo điều kiện hoặc mang tính chất bổ trợ cũng được xác định cụ thể, bao gồm:

+ Tạo đột phá về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều giải pháp, như: Đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tiếp cận năng lực hành nghề của từng chức danh, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; Đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao đối với các chức danh; Đào tạo lại đối với các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; Đổi mới hệ thống học liệu; Đổi mới phương pháp đào tạo; Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng…

+ Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động quản trị đào tạo, bồi dưỡng.

+ Cải tạo cơ sở vật chất hiện có; mở rộng đầu tư xây dựng trụ sở mới tại Thành phố Hồ Chí Minh./.