‘Mùa đông gọi vốn’ đã kết thúc?

‘Mùa đông gọi vốn’ đã kết thúc?

'Mùa đông gọi vốn' đã kết thúc? - Ảnh 1.

Người lao động của start-up Kamereo kiểm tra chất lượng sản phẩm – Ảnh: Kamereo

Mùa đông hay chỉ là bong bóng?

“Giai đoạn từ năm 2019 đến 2022, trước khi xảy ra cái gọi là “mùa đông gọi vốn”, thị trường như một bong bóng. Hiện nay đã trở lại trạng thái thực tế và bình thường hơn”, ông Taku Tanaka, CEO Kamereo, nói với Tuổi Trẻ Online.

Kamereo, công ty cung ứng thực phẩm B2B với những khách hàng lớn như Pizza 4P’s, Family Mart, Sheraton… huy động được khoảng 5 triệu USD qua hai thương vụ trong năm nay.

Cả lĩnh vực khởi nghiệp lẫn thị trường lao động đều phản ánh sự khập khiễng giữa cung và cầu.

Trong thế giới khởi nghiệp, nhiều start-up như những chú cá nhỏ đang vùng vẫy tìm vốn nhưng lại gặp phải quỹ đầu tư thận trọng, chỉ muốn nhảy vào dự án đã có dấu hiệu sinh lời.

Còn ở thị trường lao động, người tìm việc phàn nàn vì thiếu cơ hội, trong khi doanh nghiệp lại kêu ca không tìm được lao động lành nghề.

Một số nhà sáng lập đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online về những khó khăn trong việc gọi vốn. Dù mô hình đã có lãi trong lĩnh vực công nghệ, họ không chốt được thương vụ nào sau khi tiếp cận hơn 10 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế suốt một năm qua. Có nhiều lý do, một trong số đó là giá không thuận mua vừa bán.

Ngoài Kamereo, năm nay còn nhiều công ty khởi nghiệp gọi được vốn như Dat Bike với 4 triệu USD từ InfraCo Asia, Coolmate huy động 6 triệu USD do quỹ Vertex Ventures SEA & India dẫn dắt…

Một thương vụ lớn khác được chú ý với giá trị khoảng 15,5 triệu USD giữa METUB và North Haven Thai Private Equity.

Ông Phạm Chí Nhu, CEO Coolmate, cho biết đội ngũ này đã tiếp cận hơn 10 quỹ trước khi đạt thỏa thuận với nhà đầu tư trong thương vụ 6 triệu USD nêu trên.

Khi được hỏi về tình hình “mùa đông gọi vốn đã qua chưa”, ông Chí Nhu cho rằng: “Sẽ không phải qua hay không qua, mà nó sẽ là như vậy trong thời gian dài sắp tới”. Ông nói sẽ không còn “mùa xuân” với những khoản gọi vốn dễ dàng và số tiền lớn nữa.

Thay vì đổ tiền vào những mô hình tăng trưởng bằng mọi giá, các nhà đầu tư giờ đây tập trung nhiều hơn vào tính bền vững và hiệu quả kinh doanh.

Điều này khiến các start-up phải quay lại bài học căn bản: chứng minh giá trị thực, khả năng sinh lời và năng lực đạt được tầm nhìn dài hạn.

“Dù là mùa hè hay mùa đông, phương pháp cơ bản để gọi vốn vẫn không thay đổi: xây dựng một doanh nghiệp vững mạnh trên một thị trường lớn với lợi thế cạnh tranh rõ rệt”, CEO Kamereo nói.

Gọi vốn thời “bình thường mới” cần thực tế hơn

“Chúng tôi khuyên các công ty trong danh mục của mình nên tạm dừng việc huy động vốn cho đến nửa đầu năm 2025, khi môi trường huy động vốn có thể sẽ thuận lợi hơn”, ông Vinnie Lauria, đối tác sáng lập Golden Gate Ventures (GGV), nói với Tuổi Trẻ Online.

Là quỹ chuyên đầu tư giai đoạn đầu, GGV đã rót vốn vào hơn 90 công ty ở nhiều quốc gia. Trong năm qua, họ đã thực hiện 8 khoản đầu tư, bao gồm cả các vòng đầu tư mới và vòng tiếp theo. Như nhiều nhà đầu tư khác, GGV tập trung vào hỗ trợ các công ty trong danh mục, đầu tư với tốc độ thận trọng hơn, phản ánh tâm lý chung của thị trường.

Cùng quan điểm trên, đồng sáng lập kiêm CEO Filum Trần Văn Viển quan sát giai đoạn hiện nay gọi vốn “thực sự rất khó khăn, thậm chí cả năm sau”. Các quỹ nếu còn tiền đều ưu tiên đầu tư tiếp vào các công ty trong danh mục.

Vị này đánh giá các quỹ đang thích đầu tư vào mô hình tạo được lợi nhuận như B2B và “đốt” ít tiền. Đây là một trong những lý do giúp Filum, nền tảng công nghệ hỗ trợ quản trị trải nghiệm và dịch vụ khách hàng (mô hình B2B SAAS), vừa hoàn thành thương vụ vòng hạt giống từ 2 nhà đầu tư nước ngoài và 1 quỹ nội địa.

Thay vì là “tăng trưởng đột phá”, ông Phạm Chí Nhu cho rằng từ khóa dành cho các start-up bây giờ cần chuyển sang “tăng trưởng nhanh bền vững.”

CEO này tin rằng không có sự mâu thuẫn giữa nhanh và bền vững. Đồng thời các mô hình kinh doanh cần có khả năng mở rộng từ thị trường nội địa đến quốc tế.

Để tăng cơ hội gọi vốn, việc duy trì giao tiếp liên tục với các nhà đầu tư trước khi thực sự cần huy động vốn và tiếp cận càng nhiều quỹ càng tốt, cũng là việc quan trọng.

Đồng thời các nhà sáng lập cần kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người có thể chưa quen thuộc với thị trường Việt Nam. Việc xây dựng niềm tin của họ vào cả thị trường nội địa và doanh nghiệp cần có thời gian. Vì vậy, bắt đầu sớm và kiên trì là rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Taku Tanaka, cả start-up và nhà đầu tư cần thực tế hơn về tình hình thị trường hiện tại.

Trong khi hầu hết các quỹ mạo hiểm có thời gian đầu tư trung bình khoảng 10 năm, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu khoảng thời gian này có đủ để đạt đến mức định giá kỳ lân từ vòng hạt giống hay không?

Ngoài ra, chiến lược thoái vốn cần được cân nhắc kỹ từ giai đoạn đầu. So với các thị trường phát triển hơn như Singapore và Indonesia, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận tính thanh khoản khi rót vốn vào start-up tại Việt Nam là một thách thức lớn.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, giám đốc quốc gia Genesia tại Việt Nam, nói thị trường cần những start-up phát triển theo mô hình tạo ra lợi nhuận bền vững và có lộ trình thoái vốn rõ ràng hơn. Điều này quan trọng để tăng niềm tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có tiềm năng thực sự.

Theo Tracxn, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư vào start-up công nghệ khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 2,3 tỉ USD, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2023 và bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Việt Nam, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư vào các start-up tại Việt Nam khoảng 372 triệu USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 29%.