TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng xét xử các loại án

TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng xét xử các loại án

994_C_1.jpgTAND tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trường Khanh

Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Từ đầu năm 2024 đến nay đã giải quyết, xét xử 6.523/7.028 vụ, việc các loại; tồn 405 vụ, việc; đạt tỷ lệ 92.8%. Trong đó TAND tỉnh giải quyết, xét xử được 652/752 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 86,7%; TAND huyện 5.871/6.276 vụ, việc đã thụ lý đạt tỷ lệ 93,5%. Tổng tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,75%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao cho hệ thống TAND.

Về xét xử các vụ án hình sự, Tòa án hai cấp đã thụ lý 1521 vụ với 2.791 bị cáo; giải quyết 1.486 vụ với 2.601 bị cáo; còn lại 35 vụ, 190 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,7%. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không có án oan, bỏ lọt tội phạm hoặc vi phạm thời hạn tố tụng.

Các Tòa án cũng tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trong quá trình xét xử, nhất là các vụ án điểm, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện cấp ủy địa phương theo dõi, chỉ đạo.

Về xét xử các vụ việc dân sự, Tòa án hai cấp đã giải quyết, xét xử 4.460/4.892 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; đạt tỷ lệ 91,2%. Trong đó: Cấp tỉnh thụ lý 328 vụ; đã giải quyết 278 vụ, đạt tỷ lệ 84,8%. Cấp huyện thụ lý 4564 vụ; đã giải quyết 4182 vụ, đạt tỷ lệ 91,6%. Đặc biệt, không có vụ án quá hạn luật định; không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.

Về xét xử các vụ án hành chính, Tòa án hai cấp đã thụ lý 126 vụ, đã giải quyết, xét xử 88 vụ, đạt tỷ lệ 69,8%. Trong đó, cấp tỉnh thụ lý 98 vụ, đã giải quyết 63 vụ, đạt tỷ lệ 64.3%. Cấp huyện thụ lý 28 vụ, đã giải quyết 25 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%.

2d226ef3-a16a-4d0f-a650-616b91eac19b.jpegĐồng chí Nguyễn Văn Tiến tặng hoa và trao quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho đồng chí Lưu Tuấn Dũng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án hai cấp đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. Tăng cường đối thoại, phân tích; chủ động đề nghị cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước sửa đổi, hủy bỏ quyết định hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị kiện khi phát hiện quyết định, hành vi hành chính đó là trái pháp luật. Việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính của Tòa án hai cấp đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, không có vụ án để quá hạn luật định.

Cũng trong năm 2024, các TAND cấp huyện đã thụ lý 269 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, giải quyết 269 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%. Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hệ thống tòa án cũng đã ra 385 quyết định thi hành án hình phạt tù; xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân thuộc 2 trại (Trại tạm giam công an tỉnh Vĩnh Phúc và Trại giam Vĩnh Quang) nhân các ngày lễ trong năm là 3.038 phạm nhân; xét tha tù trước thời hạn có điều kiện 43 phạm nhân.

Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Thông tư số 01/2023/TT-CA ngày 09/3/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đến nay, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm 41 Hòa giải viên theo đúng quy định. Các đơn vị đã đưa ra hòa giải 770 vụ, đã hòa giải thành 220 vụ, đương sự rút đơn khởi kiện 250 vụ.

Trong kỳ báo cáo, TAND tỉnh đã kiểm tra tổng số 5.589 hồ sơ vụ án, vụ việc đã có hiệu lực pháp luật. Thông qua việc kiểm tra đã kịp thời thông báo và tổ chức cho cấp huyện kiểm điểm, rút kinh nghiệm để khắc phục những sai sót về nghiệp vụ trong công tác giải quyết án.

Trong công tác giải quyết các vụ việc, các Tòa án đều coi hòa giải là giải pháp đột phá, góp phần hạn chế mâu thuẫn, bức xúc giữa các bên đương sự giảm thời gian, công sức của nhân dân và chi phí của xã hội trong việc giải quyết tranh chấp. Tòa án hai cấp đã chú trọng, làm tốt công tác hòa giải, đối thoại theo Luật tố tụng dân sự, hành chính và Luật hoà giải, đối thoại tại Tòa án. Tổng số án Dân sự hòa giải thành là 3.107/4.211 vụ án đạt tỷ lệ 73,8%. Án đối thoại thành là 31/72 vụ án; đạt tỷ lệ 43%. Tổng tỷ lệ chung hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Tố tụng Dân sự và tố tụng Hành chính là 73,3%.