TP HCMÔng Đỗ Thắng Hải khóc khi nói lời sau cùng, tự nhận đã phụ lòng tin của mọi người, tiếc nuối vì “suốt cuộc đời cống hiến, đến tuổi nghỉ hưu lại ở hoàn cảnh này”.
Chiều 26/11, phiên xét xử ông Lê Đức Thọ, cựu bí thư Bến Tre, cựu chủ tịch HĐQT Vietinbank; cựu thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải; Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, và 12 bị cáo, kết thúc phần tranh luận. Tòa cho các bị cáo thực hiện quyền được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Ông Đỗ Thắng Hải tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần
Trình bày với tòa, ông Đỗ Thắng Hải cho biết đã rất hối hận, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng ngay từ giai đoạn điều tra. Giọng mất bình tĩnh, ông gửi lời xin lỗi đồng nghiệp, gia đình… vì đã phụ lòng của những người đã tin tưởng mình; không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
“Suốt cuộc đời tôi cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đến tuổi chuẩn bị nghỉ chế độ, thì lại phải ở trong hoàn cảnh này”, cựu thứ trưởng nghẹn giọng.
Ngừng một lúc, ông Hải xin được HĐXX khoan hồng, rồi bật khóc khi nói mong sớm được về với xã hội, thờ cúng bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cựu thứ trưởng Công Thương bị cáo buộc trong quá trình cấp phép cho Xuyên Viet Oil đã nhận hối lộ 50.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng) từ Hạnh, bị VKS đề nghị 3-4 năm tù.
Video Đỗ thắng Hải
Cựu thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khóc, xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Video: Quốc Thắng
Trong hơn 7 phút nói lời sau cùng, ông Thọ dành phần lớn thời gian trình bày về sự ăn năn hối hận, cho rằng đã nhận thức sâu sắc về vi phạm của mình. Suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông đã chủ động thành khẩn khai báo nội dung có liên quan, tác động gia đình nộp lại tất cả quà là hiện vật giá trị mà Mai Thị Hồng Hạnh tặng để khắc phục vụ án.
Ông Thọ gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Đảng bộ nhân dân tỉnh Bến Tre, gia đình vợ con. Ông cho biết khi công tác ở Bến Tre, do tỉnh rất nghèo nên đã cùng cấp ủy nỗ lực lôi kéo doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. “Tuy nhiên tôi vi phạm, nhận quà, nhận tiền của doanh nghiệp – điều đảng viên không được làm. Đó là lý do tôi phải trả giá đắt như thế này”, ông Thọ nói và mong được khoan hồng để có thể làm lại cuộc đời, phục vụ xã hội.
Ông Thọ bị cáo buộc từ năm 2019 đến tháng 1/2020 – khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của bà Hạnh. Ngoài ra, ông còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%. Ông Thọ sau đó nhận tiền, quà của bà Hạnh trị giá khoảng 23 tỷ đồng.
Hiện, bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền này. Ông Thọ được VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm, đề nghị tòa tuyên phạt 28-29 năm tù về hai tội danh, phạt bổ sung mỗi tội 100 triệu đồng.
Ông Lê Đức Thọ, cựu bí thư Bến Tre. Ảnh: Quỳnh Trần
Có vai trò cầm đầu vụ án, Mai Thị Hồng Hạnh, đồng ý dùng tất cả tài sản cá nhân, công ty để khắc phục hậu quả của vụ án. “Tôi không xin được khoan hồng, mà xin được thêm tội – chấp nhận thêm cả hình phạt 7 năm tù của em gái”, Hạnh nói, giọng tha thiết.
Hạnh cho biết xem bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) như em gái ruột. Theo bà chủ Xuyên Việt Oil, trong hoạt động của công ty, Phương chỉ làm theo lời của mình, nên xin nhận hết cả phần tội này của Phương.
Phó giám đốc Xuyên Việt Oil Nguyễn Thị Như Phương. Ảnh: Quỳnh Trần
VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội
Trước đó, VKS đã đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho cựu bí thư Bến Tre về “ranh giới mong manh giữa việc nhận quà và nhận hối lộ”; việc truy tố bị cáo về 2 tội danh dù chỉ thực hiện một hành vi, chỉ khác ở hai vị trí công tác, là gây bất lợi cho thân chủ.
Theo VKS, trong nhiều bản cung, Hạnh khai mục đích đưa tiền làm hai giai đoạn. Một là, lúc ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT Vietinbank, Hạnh muốn được cấp hạn mức tín dụng, nới, giảm điều kiện vay, tăng hạn mức tín chấp, và cả việc chúc Tết. Còn trong giai đoạn ông Thọ làm Bí thư tỉnh Bến Tre, Hạnh tặng quà là do từng nhờ ông Thọ tác động đến Vietinbank, cộng với quà cảm ơn ông này tư vấn cho mình đầu tư, sinh lợi nhiều.
“Như vậy, việc truy tố bị cáo Thọ ở 2 tội là đúng pháp luật, bởi trong từng giai đoạn bị cáo giữ vị trí, vai trò, nhiệm vụ khác nhau”, đại diện VKS nêu quan điểm.
Về việc các luật sư của nhóm bị cáo Nhận hối lộ cho rằng có phần mập mờ giữa hành vi nhận “quà và tiền”, VKS cho rằng trong các lời khai, Hạnh đưa tiền là có mục đích, các bị cáo nhận tiền trước và sau, đều gắn liền với công việc được nhờ vả. “Những lần này đã được mô tả chi tiết trong cáo trạng, hành vi đã cấu thành tội nhận hối lộ”, đại diện VKS nêu lý do giữ nguyên quan điểm buộc tội.
Bà chủ Xuyên Việt Oil Mai Thị Mỹ Hạnh. Ảnh: Quỳnh Trần
Đối với quan điểm của luật sư bị cáo Mai Thị Mỹ Hạnh cho rằng bà này “chủ động khai báo chuyện đưa hối lộ nên đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự”, đại diện VKS cho biết vụ án được phát hiện từ đơn tố cáo của nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil. Qua xác minh, cơ quan điều tra đã khởi tố Hạnh. Quá trình điều tra, bị cáo có khai báo về các trường hợp mình đưa hối lộ.
“Như vậy tức là nếu bị cáo không bị bắt thì sẽ không trình báo việc đưa hối lộ”, VKS nêu vấn đề, cho biết về mặt khách quan, khi khám xét tại nơi làm việc của Hạnh cơ quan điều tra đã phát hiện tài liệu chứng cứ, thể hiện đưa hối lộ. Vì lợi ích của bản thân, Hạnh đã tiếp cận, đưa hối lộ cho những người có chức vụ.
Tuy nhiên, đại diện VKS ghi nhận sự chủ động khai báo của Hạnh, đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, hợp tác để phát hiện tội phạm” và đề nghị HĐXX xử dưới khung hình phạt.
Tòa sẽ tuyên án vào sáng 29/11.
Quốc Thắng