73% người lao động lạc quan về triển vọng nghề nghiệp – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Người lao động lạc quan về nghề nghiệp
Có 84 doanh nghiệp tại Việt Nam, hàng trăm ứng viên người Việt Nam, đa ngành nghề, vị trí và cấp bậc tham gia khảo sát lương lần này.
Theo đó, 73% người lao động bày tỏ sự lạc quan về triển vọng nghề nghiệp, phản ánh niềm tin ngày càng tăng vào các cơ hội việc làm.
Lương và phúc lợi vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự hài lòng của người lao động. 46% người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của gói đãi ngộ cạnh tranh.
77% người được hỏi nhấn mạnh vai trò của chế độ thưởng trong việc quyết định mức độ hài lòng của họ với công việc.
Yếu tố tài chính và sự ghi nhận đóng vai trò then chốt trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.
Khảo sát cho thấy người lao động ngày càng chú trọng đến những giá trị phi vật chất trong văn hóa doanh nghiệp. Đồng nghiệp truyền cảm hứng và môi trường làm việc mang tính hỗ trợ là những yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với một nửa số người được khảo sát.
Ngoài ra, các cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp như chương trình đào tạo chuyên môn, thời gian làm việc linh hoạt, gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp ngày càng được xem là những yếu tố không thể thiếu của một chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Đáng chú ý, khảo sát còn ghi nhận xu hướng nổi bật về sự ưu ái của người lao động dành cho các doanh nghiệp nước ngoài. Có tới 99% người bày tỏ mong muốn làm việc tại các công ty quốc tế. Những lý do chính bao gồm mức lương hấp dẫn hơn, lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng và bài bản, cùng cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng lương để thu hút nhân tài, tuyển người khi thấy tiềm năng – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tăng lương để thu hút nhân tài, tuyển người khi thấy tiềm năng
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng cao và sự thay đổi trong ưu tiên của người lao động, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài một cách hiệu quả.
Theo khảo sát lương 2025 của Robert Walters, nhiều xu hướng quan trọng đang định hình cách các tổ chức tiếp cận thị trường việc làm đầy biến động. Điểm nhấn nổi bật là kế hoạch tăng lương tại nhiều doanh nghiệp, khi 82% công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương, tăng lương trong năm 2025.
Bên cạnh việc tăng lương, các nhà tuyển dụng cũng tập trung cải thiện chương trình thu hút nhân tài thông qua chế độ thưởng cạnh tranh (76%) và đầu tư vào các chương trình đào tạo, phát triển toàn diện (67%).
Những sáng kiến này không chỉ giúp thu hút ứng viên tiềm năng mà còn góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực cao, gắn bó lâu dài với tổ chức.
Tuy nhiên, thu hút nhân tài mới chỉ là một mặt của vấn đề, giữ chân nhân tài lại là một bài toán nan giải khác.
Khảo sát của Robert Walters chỉ ra 59% nhà tuyển dụng thừa nhận rằng sự cạnh tranh trong tuyển dụng nhân tài và vướng mắc trong việc đưa ra gói phúc lợi cạnh tranh tiếp tục là thách thức lớn.
Một hướng tiếp cận hứa hẹn chính là tuyển dụng ứng viên dựa trên tiềm năng thay vì chỉ dựa vào chuyên môn hiện có. Việc tập trung nuôi dưỡng và phát triển nhân tài lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển và thích ứng cùng tổ chức.
Đồng thời các công ty cũng đang nỗ lực điều chỉnh phúc lợi và chính sách, nhằm đáp ứng kỳ vọng của người lao động, tạo môi trường làm việc hài hòa, có lợi cho cả đôi bên.
Báo cáo khảo sát chỉ ra kinh tế Việt Nam trong năm 2024 khởi sắc, với những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng GDP đạt 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức 5% của năm 2023.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất, với mức tăng từ 3,6% năm 2023 lên 8,8% trong 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy sự phục hồi đáng kể của lĩnh vực công nghiệp.
Củng cố cho đà tăng trưởng này, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 13,3% so với cùng kỳ tính đến tháng 7, trong khi Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) duy trì ổn định ở mức 54,7 trong cả tháng 6 và tháng 7, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ của đơn hàng mới và hoạt động sản xuất nói chung.
Mặc dù có các tín hiệu kinh tế khả quan, các công ty và người lao động được dự đoán sẽ tiếp tục thận trọng và tránh rủi ro trong năm 2025. Điều này diễn ra trong bối cảnh phức tạp của kinh tế toàn cầu đòi hỏi các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, cũng như đối mặt các thách thức.