Bị người khác lấy thông tin CCCD đi vay nợ, xử lý thế nào?

Bị người khác lấy thông tin CCCD đi vay nợ, xử lý thế nào?

Lợi dụng sự dễ dãi này, đã có không ít trường hợp đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để vay tiền. Thực tế, đã có nhiều người mất, bị lấy cắp, hoặc lộ CCCD trên mạng trở thành nạn nhân, lâm vào tình cảnh khốn đốn dù không hề vay tiền.

Rất nhiều độc giả quan tâm, khi một người bị lấy cắp thông tin để đi vay nợ nhưng trên thực tế lại không vay tiền thì có nghĩa vụ phải trả nợ không? Cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?

luat-su-nguyen-van-tuan-cong-ty-luat-tgs.jpgLuật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc mượn hoặc lấy cắp thông tin trên CCCD của người khác đi vay nợ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định: dữ liệu cá nhân được định nghĩa là thông tin được thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết hoặc chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc các dạng tương tự cấu tạo trên môi trường điện tử. Những thông tin này thường được tạo nên để gắn liền với một con người cụ thể và giúp xác định, phân biệt đối với các cá nhân với nhau.

Thông tin về căn cước công dân nằm trong nhóm dữ liệu cá nhân cơ bản, và chúng được xếp vào cùng một nhóm với các thông tin như họ tên, ngày tháng, năm sinh, giới tính, nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, số điện thoại và các thông tin liên quan đến hình ảnh cá nhân.

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ : Các thông tin và hình ảnh liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình phải được tôn trọng và bảo vệ bởi pháp luật. Việc thu thập, lưu giữ và sử dụng thông tin liên quan đến đời sống riêng tư và bí mật cá nhân phải được thực hiện với sự cho phép của người chủ sở hữu thông tin.

“Thông tin cá nhân, bao gồm thông tin về căn cước công dân, được coi là bí mật cá nhân và được bảo vệ chặt chẽ bởi pháp luật. Việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác để vay tiền là một hành vi vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến xử phạt hành chính cũng như bồi thường thiệt hại nếu gây ra hậu quả đối với người bị tác động”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Về trách nhiệm đối với khoản nợ từ “trên trời rơi xuống” theo Luật sư Tuấn, Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay.

Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, quan hệ vay tiền chỉ được hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên là bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).

Ngoài ra, tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, trường hợp vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Luật sư Tuấn khẳng định, căn cứ vào các quy định trên thì bên vay tài sản mới là người có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. Vì vậy, một người bị lấy cắp thông tin nhưng trên thực tế lại không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người bị đánh cắp thông tin vay tiền có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 29/2021/TT-BCA) để được cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh sự việc.