Khổ sở vì làm chung với đồng nghiệp không hợp tính

Khổ sở vì làm chung với đồng nghiệp không hợp tính

Thực tế, không phải khi nào người đi làm cũng có quyền được chọn lựa đồng nghiệp làm chung. Một cuộc khảo sát do PV tiến hành với 15 người lao động trong độ tuổi 22 – 35 ở TP.HCM cho thấy, có đến 70% người cảm thấy áp lực, mệt mỏi, bức xúc khi phải cộng tác với người họ không thích.

Có nhiều lý do dẫn đến việc không hòa hợp với một số đồng nghiệp như khác biệt tính cách, bất đồng quan điểm, cạnh tranh không lành mạnh, đối lập về giá trị sống… Dù nguyên nhân là gì, sự căng thẳng này không chỉ tác động đến tinh thần mà còn gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung.

Rạch ròi giữa công việc và cảm xúc cá nhân

“Trong môi trường công sở, mâu thuẫn cá nhân với đồng nghiệp ai cũng sẽ gặp phải đôi lần. Tuy nhiên, để giữ được sự chuyên nghiệp, hiệu quả, việc tách bạch giữa cảm xúc cá nhân và công việc là kỹ năng quan trọng. Bản thân tôi cũng phải trải qua nhiều mới tự rút ra được bài học cho chính mình”, chị Phan Thị Thu Hương (28 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang làm việc ở một công ty nghiên cứu thị trường chia sẻ.

Chia sẻ về trải nghiệm trước đây, chị Hương cho biết đã từng trải qua một giai đoạn rất khó khăn khi làm việc chung với đồng nghiệp không hòa hợp.

Chị kể lại, hồi đó chị được sếp giao làm chung dự án với một đồng nghiệp “bằng mặt không bằng lòng” từ lâu. Làm việc chung nhiều ngày, cả hai vốn đã không hợp lại càng phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn khác. Chị đồng nghiệp kia liên tục bác bỏ ý kiến đóng góp của chị Hương nên cả hai đã xảy ra cãi cọ.

Văn hóa công sở: Khổ sở vì làm chung với đồng nghiệp không hợp tính- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng rất khổ sở khi làm chung với đồng nghiệp không hợp tính

ẢNH: HOÀI NHIÊN – THÁI THANH

Chị Hương nói: “Vì quá mệt mỏi, tôi đã xin sếp rút khỏi dự án. Nhưng sếp nói đây là nhiệm vụ công ty giao cho, người thông minh và chuyên nghiệp không bao giờ để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc”.

Sau lần đó, chị Hương đã tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân rằng cần học cách không để những hành vi hay lời nói của người khác ảnh hưởng quá nhiều đến tâm trạng của mình. Mỗi lần cảm thấy bực bội, chị sẽ dành vài phút hít thở sâu hoặc viết ra những suy nghĩ tiêu cực. 

Theo chị Hương, cần biết cách kiểm soát cảm xúc của mình và trao đổi thẳng thắn khi cần để bảo vệ quyền lợi cá nhân cũng như tránh ảnh hưởng đến kết quả công việc chung.

Cũng trải qua tình huống tương tự, anh Chiến Thắng (24 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) đang làm việc tại một ngân hàng cho biết: “Đi làm một thời gian, tôi nhận ra rằng mình không cần phải cố hòa hợp với tất cả mọi người. Tôi chỉ tập trung hợp tác, tách bạch cảm xúc khi công việc yêu cầu, còn ngoài ra, tôi giữ khoảng cách để tránh mâu thuẫn”.

Góc nhìn từ nhà tuyển dụng

Nhiều chuyên gia quản lý nhân sự cho rằng, mâu thuẫn giữa các nhân viên là điều không thể tránh khỏi trong môi trường làm việc đa dạng thế hệ như hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Lý Huỳnh, chuyên viên nhân sự tại Công ty TNHH bảo vệ dịch vụ Trường Thành Đại Nam Security cho biết, mâu thuẫn giữa các nhân viên trong một tổ chức không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp hiệu quả công việc chung.

Theo anh Huỳnh, nhà tuyển dụng thường cố gắng đóng vai trò trung gian để hòa giải mâu thuẫn của nhân viên. Vai trò của nhà tuyển dụng không chỉ dừng lại ở việc giải quyết xung đột mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực.

Bên cạnh đó, trong những trường hợp mâu thuẫn căng thẳng không thể giải quyết, người quản lý cho biết công ty sẵn sàng điều chỉnh vị trí hoặc phân công lại nhiệm vụ để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa các bên. Tuy nhiên, không nên áp dụng việc làm này một cách tùy tiện vì nó dễ tạo ra “thói quen” không tốt cho toàn bộ nhân viên.

Để hạn chế tình trạng này, anh Huỳnh cho rằng việc xây dựng một môi trường làm việc gắn kết là yếu tố then chốt. Công ty nên tổ chức các hoạt động tập thể để nhân viên có cơ hội hiểu nhau, tạo ra một đội ngũ gắn kết và hướng đến sự phát triển bền vững.