Công Tác Hỗ Trợ Tái Hòa Nhập Cộng Đồng Tại Đồng Nai
Theo đánh giá của Công an tỉnh, trong những năm qua, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Đồng Nai đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo.
Khám Phá Những Câu Chuyện Thành Công
Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù thấy được lỗi lầm, xóa bỏ mặc cảm, an tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Chương Trình Gặp Gỡ và Tư Vấn Việc Làm
Mới đây, thông qua Chương trình Gặp mặt, đối thoại, tư vấn việc làm “Thắp sáng niềm tin hòa nhập cộng đồng” cho người chấp hành xong án phạt tù tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (thành phố Biên Hòa), nhiều người đã có cơ hội tiếp cận các nhà tuyển dụng để tìm việc làm ổn định.
Đến tham dự chương trình, anh H.Đ.H. (ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) mang theo niềm hy vọng có thể tìm được việc làm phù hợp, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Anh H. kể lại, trong một lần vì quá nóng giận, anh đã gây thương tích cho người khác nên phải lãnh án tù. Ra tù từ năm 2018 nhưng công việc của anh vẫn bấp bênh. Nhân dịp được gặp gỡ các nhà tuyển dụng, anh hy vọng có thể tìm được việc làm, có thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 13,5 ngàn người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú, trong đó có hơn 5,8 ngàn người đã có việc làm ổn định; hơn 4,9 ngàn người có việc làm chưa ổn định và còn hơn 2,7 ngàn người chưa có việc làm.
Những Thách Thức Trong Tìm Kiếm Việc Làm
Tương tự, anh T.V.N. (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, sau khi ra tù vào năm 2017, anh đã cố gắng nộp hồ sơ xin việc ở nhiều công ty khác nhau nhưng hầu hết đều từ chối khi biết anh từng có tiền án. Để có thu nhập, anh lao vào đủ nghề, từ chạy xe công nghệ đến làm bốc vác, bán hàng dạo… Tuy nhiên, mong ước của anh là có một công việc ổn định để nuôi vợ và hai con nhỏ.
Ngoài ra, một số người hoàn lương có tay nghề thì mong muốn được vay thêm vốn để mở cơ sở kinh doanh.
Câu Chuyện Tái Hòa Nhập
Chị N.T.B. (ngụ huyện Nhơn Trạch) kể rằng, chị vốn là thợ cắt tóc nhưng do tham gia đánh bạc nên phải chấp hành án phạt tù. Sau khi hoàn lương, chị muốn được vay vốn mở lại tiệm cắt tóc để có thu nhập ổn định, làm lại cuộc đời.
Xây Dựng Cuộc Sống Mới
Đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo. Việc này giúp người chấp hành xong án phạt tù nhận ra lỗi lầm, xóa bỏ mặc cảm, an tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới khi hoàn lương.
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh, thời gian qua, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ; được quan tâm thăm hỏi, động viên, tư vấn, trợ giúp và hỗ trợ các thủ tục pháp lý liên quan đến cá nhân; được giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh… Đến nay, rất nhiều người hoàn lương trở về địa phương cư trú đã ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cần Có Hỗ Trợ Mạnh Mẽ Từ Hệ Thống Chính Trị
Theo Công an tỉnh, để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú có việc làm, ổn định cuộc sống, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác hỗ trợ cho vay vốn ngân hàng; tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo nghề.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người chấp hành xong án phạt tù chưa có việc làm ổn định. Phần lớn người này có trình độ học vấn thấp; tâm lý mặc cảm, tự ti, đôi khi còn phải chịu sự kỳ thị của những người xung quanh, khiến việc tái hòa nhập cộng đồng gặp khó khăn; doanh nghiệp còn e ngại tuyển dụng những người có tiền án, tiền sự.
Giải Pháp Tạo Cơ Hội Thay Đổi
Nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội ở cơ sở.
Mặt khác, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù để tuyên truyền sâu rộng, động viên, thúc đẩy phong trào. Cần kịp thời hướng dẫn về các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù, nhất là về xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp và các thủ tục hành chính khác. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.
Tố Tâm