PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về cơ hội việc làm của khối ngành nhân văn – Ảnh: NGUYÊN BẢO
* Học ngành tôn giáo học sẽ làm việc ở lĩnh vực nào? Ngành này thường có điểm chuẩn thấp so với các ngành khác thuộc khối nhân văn có phải do cơ hội việc làm ít hơn không? (H.S)
– PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, tư vấn:
Ngành tôn giáo học cung cấp tri thức về tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, sống động, gắn với đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội.
Tôn giáo học là một mạch nguồn nuôi dưỡng nên ý thức hệ và thế giới tinh thần của con người, giúp con người hiểu về cội nguồn, bản sắc của cộng đồng, dân tộc mình, và hiểu sâu sắc những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới đang xuất hiện. Do đó, đây là ngành học quan trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cử nhân ngành tôn giáo học công tác tại các cơ quan hoạch định đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước từ trung ương tới địa phương, tại các cơ quan quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, tín ngưỡng, các tổ chức phi chính phủ điều phối, quản lý các dự án phát triển văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc phát triển các lĩnh vực kinh doanh sản phẩm liên quan đến tôn giáo.
Ngành tôn giáo học cũng có cơ hội việc làm tốt. Nhiều sinh viên ban đầu chọn ngành này vì điểm chuẩn thấp, nhưng khi hiểu về ngành học lại cảm thấy đây là lựa chọn thú vị.
* Học ngôn ngữ học ra trường chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu về ngôn ngữ phải không? Em được biết hiện nay có sự chuyển dịch lớn về nhu cầu nhân lực, những ngành như ngôn ngữ học liệu có chịu tác động dẫn tới việc sinh viên ra trường thất nghiệp không? (Ngọc Thu, Hà Nội)
– PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội:
Ở Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ngôn ngữ học là chuyên ngành truyền thống đào tạo nhân lực chất lượng cao về ngôn ngữ, Việt ngữ học.
Nhưng với xu thế đào tạo liên ngành, trường đang kết hợp đào tạo ngôn ngữ học với báo chí, tâm lý học, xã hội học, nhân học, khoa học máy tính… để mở rộng phạm vi đào tạo về ngôn ngữ học máy tính, ngôn ngữ học khối liệu, ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học trị liệu… giúp sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực, từ báo chí, truyền thông, xuất bản tới các lĩnh vực về phục hồi chức năng…
Trong những năm gần đây, tỉ lệ trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối loạn hoặc thiểu năng ngôn ngữ, phổ biến là chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, sinh non, tổn thương não bộ, sử dụng quá nhiều smartphone… Thậm chí người lớn cũng có thể có những rối loạn về ngôn ngữ do trầm cảm, stress… Những trường hợp này rất cần được trị liệu ngôn ngữ.
Trị liệu ngôn ngữ là một công việc khó khăn, không chỉ cần chuyên gia có kiến thức y học, mà còn cần cả các chuyên gia về ngôn ngữ học (đặc biệt về ngữ âm, về tri nhận…). Học ngôn ngữ học với các chuyên ngành ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học trị liệu, bạn có thể trở thành chuyên gia cung cấp dịch vụ trị liệu ngôn ngữ.