Ông Phạm Văn Hạ, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, bị cáo buộc Nhận hối lộ.
Ngoài ông Hạ, hai người khác bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Đưa hối lộ là Lê Đình Hải (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Sài Gòn) và Hoàng Đình Chương (Giám đốc Công ty TNHH An Nguyên), thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chiều 9/11.
Như vậy, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan, Cơ quan điều tra đã khởi tố ít nhất 8 người; thu giữ 122 tỷ đồng và 130.000 USD.
Vụ án tại tập đoàn Thuận An được Bộ Công an công bố khởi tố hôm 15/4 khi bắt ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc, bị bắt về tội Đưa hối lộ.
Liên quan vụ án, ông Phạm Thái Hà, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái. Ảnh: Gia Chính
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 12/2014 đến 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh thành trên cả nước với tổng giá trị 23.000 tỷ đồng. Bộ Công an xác định, riêng năm 2022-2023, Thuận An “phát triển nóng”, trúng nhiều gói thầu trị giá 18.000 tỷ đồng, trong số này nhiều gói thầu thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau Covid-19. Việc này được cơ quan điều tra cho là “điều rất đặc biệt”.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết thêm, liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương và Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, hôm 27/10, Bộ Công an đã khởi tố bổ sung, áp dụng biện pháp ngăn chặn với 3 người về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Viết Tuân