Người sử dụng lao động được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nào?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người sử dụng lao động được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Các trường hợp trên có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân, Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền khi trốn đóng từ 30 ngày trở lên.
Người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bị công khai ở đâu?
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bị cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội.