Hai cựu lãnh đạo Bắc Ninh khai về ‘thông lệ’ duyệt thầu cho doanh nghiệp

Hai cựu lãnh đạo Bắc Ninh khai về ‘thông lệ’ duyệt thầu cho doanh nghiệp

Bắc NinhCựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đều thừa nhận “kế thừa thông lệ ngầm tại địa phương” về việc doanh nghiệp xin được vốn cho tỉnh thì sẽ trúng thầu.

Chiều 29/10, sau khi HĐXX kết thúc xét hỏi, đại diện VKS và 21 luật sư tiếp tục đi sâu vào nhiều tình tiết của vụ án đưa, nhận hối lộ và các sai phạm đấu thầu liên quan cung cấp thiết bị cho 6 bệnh viện tại tỉnh Bắc Ninh.

Cơ quan công tố dành nhiều thời gian truy vấn hai cựu lãnh đạo cao nhất của tỉnh này về cơ chế “xin” vốn và thỏa thuận đấu thầu trái luật cho hai doanh nghiệp có quen biết từ trước.

Các kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Ninh tại tòa. Ảnh: Phạm Dự

Các kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Ninh tại tòa. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo buộc, năm 2013, Bắc Ninh vừa xây xong 6 bệnh viện huyện thì hết vốn, không còn tiền mua thiết bị, máy móc. Cùng lúc, hai doanh nghiệp cùng xuất hiện, đều đưa ra đề nghị về việc “sẽ vận dụng các quen biết cao, sâu của mình” để “xin” thêm ngân sách chính phủ cho tỉnh mua thiết bị. Đổi lại, tỉnh phải cho họ đấu thầu bán thiết bị.

Hai doanh nghiệp đó là Công ty Sông Hồng do bị cáo Lã Tuấn Hưng làm Tổng giám đốc và Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT. Sau một số cuộc gặp gỡ xin ý kiến, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi đó đã đồng ý.

“Thế có phải giai đoạn năm 2013-2015, cứ doanh nghiệp nào xin được vốn là trúng thầu phải không?”, HĐXX hỏi cựu Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh.

Ông Quỳnh đáp: “Đây là một thông lệ ở Bắc Ninh từ khoảng năm 2006 nên thế hệ sau thực hiện theo”. “Thông lệ này ai đặt ra?”, chủ tọa Vũ Công Đồng truy vấn, song ông Quỳnh chỉ nói chung chung “lãnh đạo đời trước”.

“Thế thông lệ có văn bản không?”, chủ tọa vẫn hỏi. Ông Quỳnh khai chỉ là truyền đạt bằng lời qua các cuộc họp, ông làm theo chứ không tự đặt ra.

Ông Nguyễn Nhân Chiến tại tòa. Ảnh: Phạm Dự

Ông Nguyễn Nhân Chiến tại tòa. Ảnh: Phạm Dự

Sau ông Quỳnh, cựu Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến tiếp tục trả lời thẩm vấn. Trước việc cấp dưới khai Công ty Sông Hồng năm 2012 từng làm dự án cung cấp thiết bị y tế chi bệnh viện đa khoa tỉnh, ông Chiến nói “không biết và cũng không quen biết gì lãnh đạo công ty”.

“Thế sao Sông Hồng nói xin được vốn mà tỉnh lại đồng ý ngay, tin ngay?”, VKS hỏi. Ông Chiến đáp do khi đó lãnh đạo công ty này đi cùng Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hạnh Chung và ông Trần Văn Tuynh, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh. “Đây đều là người tôi cực kỳ tin tưởng”, ông nói.

Với công ty AIC của “chị Nhàn”, ông Chiến nói khi nhận được đề nghị tương tự đã chỉ nói “cơ bản đồng ý về chủ trương” và nói doanh nghiệp làm việc với ông Tuynh. “Nhưng chắc sau đó Tuynh ngại va chạm vì chị Nhàn có nhiều đóng góp với tỉnh nên anh ấy chia đôi mỗi công ty một nửa”, ông Chiến đáp.

VKS truy: “Thế trước đấy có thỏa thuận kiểu này với công ty nào khác không?”. Ông Chiến trả lời: “Chưa bao giờ”.

Dù phủ nhận “thông lệ” ai xin vốn được cho tỉnh,sẽ được trúng thầu, nhưng sau đó, khi luật sư lật lại vấn đề “có xác nhận có cái thông lệ này không?”, ông Chiến không khẳng định cũng không phủ định, song cho biết: “Đây là thông lệ đã qua nhiều thời kỳ, tuy không có văn bản, chúng tôi nghe nói với nhau, vì các địa phương khác cũng làm thế. Nhưng dù thế nào, tôi chấp nhận thỏa thuận vì cả nể, thì vẫn là sai”.

Giải thích lý do cho sự cả nể này, ông Chiến cho rằng “AIC rất mạnh về quyền lực và ảnh hưởng chính trị, cũng có công lao với không chỉ Bắc Ninh mà còn nhiều địa phương khác”.

“Thực sự, rất khó từ chối”, ông nói chậm, nhấn từng từ.

Tại sao ông Chiến nhận 14 tỷ, chỉ bị truy tố nhận hối lộ 4 tỷ đồng?

Theo lời khai, ông Chiến không chỉ khó từ chối đề nghị của bà Nhàn AIC mà còn không từ chối được hàng chục lần nhận quà từ nữ chủ tịch này. Ông bị cáo buộc nhận hối lộ 4 tỷ đồng, trong số này 3 tỷ đồng từ bà Nhàn AIC, một tỷ đồng do cấp dưới Tuynh biếu rải rác nhiều dịp, mỗi lần 200 triệu đồng.

Chiều nay, ông nói trong quá trình tự nhận thức đã chủ động khai ra nhiều lần nhận tiền “cảm ơn” khác từ bà Nhàn, khoảng 10 tỷ đồng. Ông khai không biết đó của hối lộ vì “lúc Nhàn nói đó là quà Tết, lúc là quà sinh nhật, quà 2/9, rồi khi tôi nghỉ hưu Nhàn cũng nói không biết mua gì rồi bảo anh cầm tiền mua gì hộ em”.

Tổng cộng ông đã nhận 14 tỷ đồng.

“Ông nhận nhiều tiền thế, làm sao phân biệt được đâu là hối lộ, đâu là quà bình thường, quà cảm ơn?”, VKS hỏi. Ông Chiến thú nhận “thực ra cũng không phân biệt được”.

Cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cũng thừa nhận “không phân biệt được ranh giới” giữa quà biếu và tiền hối lộ, do “với phong cách của chị Nhàn, chị ấy không bao giờ nói là tiền ăn chia thỏa thuận”.

Trước lời khai này, hai cựu lãnh đạo tỉnh bị VKS truy hỏi: “Không phân biệt được thì sao lại khẳng định chỉ một phần trong số “cảm ơn” đó là hối lộ, còn lại chỉ là quà biếu bình thường? Phải hiểu là người ta không làm dự án ở tỉnh mình thì người ta có tự nhiên biếu quà không?”. Ông Quỳnh đáp: “Đúng”.

Do ông Quỳnh vài lần nói không nhớ, đại diện VKS trích lại lời khai tại cơ quan điều tra thể hiện “các lần Nhàn mang tiền đến cơ quan đều là các bó tiền 100 tờ mỗi thếp, mệnh giá 500.000 đồng, cho vào túi xách tối màu có dây dù. Sau đó Nhàn nói “em có chút quà biếu anh” rồi để ở chân bàn”.

“Hôm trước nhớ vậy mà hôm nay lại quên”, VKS nói. Ông Quỳnh nhỏ giọng phân trần: “Bị cáo khi đó là phó chủ tịch tỉnh, quản lý nhà nước mảng y tế và giáo dục, không phụ trách ngân sách nên nếu bị cáo không đồng ý cho hai công ty làm thì chắc họ vẫn được làm. Chỉ là bị cáo đồng ý thì chắc chắn hơn”.

Đây là vụ án thứ 4 bà Nhàn bị xét xử vắng mặt do liên quan đấu thầu thiết bị y tế song. Ngoài Bắc Ninh, loại cựu cán bộ của các tỉnh Quảng Ninh, TP HCM, Đồng Nai cũng vướng lao lý vì “tiếp tay” cho AIC.

Sáng nay, VKS dự kiến công bố bản luận tội.

Thanh Lam – Phạm Dự