Quy định về thay đổi nội dung hợp đồng làm việc trong quá trình thực hiện hợp đồng
Trong quá trình viên chức thực hiện hợp đồng làm việc, một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải làm như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật viên chức 2010, quy định về thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:
Thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
03 trường hợp viên chức có hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
Căn cứ theo Điều 25 Luật viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019, quy định về các loại hợp đồng làm việc như sau:
Các loại hợp đồng làm việc
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Những việc viên chức không được làm
Căn cứ theo Điều 19 Luật viên chức 2010, quy định những việc viên chức không được làm như sau:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.