Thẩm phán Phan Trọng Phụng, Chánh án TAND huyện Cư M’Gar
PV: Thưa Chánh án, xin ông cho biết trong số những nội dung của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông ấn tượng với nội dung nào nhất, vì sao?
Chánh án Phan Trọng Phụng: Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có nhiều nội dung mới và tiến bộ, tuy nhiên, nội dung tôi ấn tượng nhất là quy định TAND thực hiện quyền tư pháp.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”; trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 102 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới “Xác định thẩm quyền của Toà án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”.
Do đó, quy định Toà án thực hiện quyền tư pháp tại Điều 2 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là điểm nổi bật và là bước tiến trong công tác lập pháp; thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về chức năng của TAND. Chỉ khi làm rõ được nội hàm quyền tư pháp thì mới xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án.
PV: Xin ông cho biết, Luật TAND (sửa đổi) có điểm gì nổi bật so với Luật Tổ chức TAND hiện hành?
Chánh án Phan Trọng Phụng: Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 09 chương, 152 Điều được sửa đổi toàn diện, đổi mới; trong đó đã sửa đổi, bổ sung 101 Điều và bổ sung mới 48 Điều so với Luật Tổ chức TAND năm 2014. Một số điểm nổi bật như:
Thứ nhất, quy định về TAND thực hiện quyền tư pháp. Đây là điểm nổi bật và là bước tiến trong công tác lập pháp; thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về chức năng của TAND. Quy định này là phù hợp với xu thế hiện nay và tất yếu khách quan, giúp Toà án thực hiện đúng vị trí, chức năng của mình như Điều 2 của Luật đã quy định.
Thứ hai, Toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Toà án chỉ hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan tổ chức cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ trong trường hợp các bên đã thực hiện biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được và đề nghị Toà án hỗ trợ. Quy định này là phù hợp thực tiễn và xu thế trên thế giới hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành; đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
PV: Thưa Chánh án, trong số những nội dung của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung nói về thu thập chứng cứ. Vậy Chánh án cho biết, việc Tòa án không thu thập chứng cứ thì sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì? Với những người yếu thế Tòa án hỗ trợ thế nào về việc thu thập chứng cứ?
Chánh án Phan Trọng Phụng: Theo như quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Quy định này phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành; làm tăng sự “chủ động”, “tích cực” thu thập chứng cứ của các đương sự, vì đương sự chính là những chủ thể “trực tiếp” có quyền và nghĩa vụ bị ảnh hưởng trong vụ án. Quy định như vậy giúp cho các đương sự tích cực “thu thập” chứng cứ, từ đó có thể chứng minh cho những luận điểm mà họ đã nêu mà không bị lệ thuộc vào Tòa án. Tuy nhiên, quy định như trên khi áp dụng trong thực tiễn cũng có khó khăn nhất định:
Thứ nhất, là khả năng thu thập chứng cứ của các đương sự là khác nhau, nhất là đối với những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, rất nhiều người dân không có điều kiện tham gia tranh tụng một cách đầy đủ, nếu quy định việc thu thập chứng cứ cho các bên có thể sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế. Trong khi đó, cơ chế luật sư, người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của người dân, theo thống kê của ngành Toà án, hiện nay chỉ có 8.15% các vụ kiện tụng có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự. Nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn, hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc.
Thứ hai, việc để đương sự tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân là một thách thức với đương sự, vì họ sẽ không có đủ năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước. Hơn nữa, đối với các bên đương sự, họ tiến hành tự thu thập chứng cứ, nhưng mỗi bên đều sẽ chỉ thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ gây bất lợi cho họ. Do đó, việc xác định sự thật của vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đối với vấn đề này, Điều 15 của Luật quy định rõ “Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Đây là nhiệm vụ của Thẩm phán, Hội đồng xét xử thẩm tra, xác minh chứng cứ các bên đưa ra nhằm giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan.
Điều 15 Luật tổ chức TAND (sửa đổi) cũng quy định việc Tòa án hỗ trợ những người yếu thế về việc thu thập chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
PV: Hiện nay có tình trạng cơ quan, tổ chức không cung cấp, hoặc chậm cung cấp chứng cứ trong các vụ án hành chính, trường hợp này Tòa án sẽ xử lý thế nào, thưa Chánh án?
Chánh án Phan Trọng Phụng: Về trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ của cơ quan, tổ chức trong vụ án hành chính đã được quy định rõ tại khoản 3 Điều 93 Luật Tố tụng hành chính, trường hợp cơ quan tổ chức không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án, mà không có lý do chính đáng thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (quy định tại Điều 325 Luật tố tụng hành chính). Đồng thời, việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
PV: Trong trường hợp, người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ tại Tòa, thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính khách quan?
Chánh án Phan Trọng Phụng: Trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ tại Tòa thì có trường hợp Toà án tiến hành xác minh, hoặc có trường hợp không tiến hành xác minh. Vì trách nhiệm của người xuất trình chứng cứ là phải chứng minh được chứng cứ của họ là có căn cứ, hợp pháp, khách quan; trường hợp họ không tự chứng minh được và đề nghị Tòa án hỗ trợ thì Tòa án chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng quy định như tiến hành lấy lời khai của đương sự, đối chất, trưng cầu giám định, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản,…
Ví dụ, trong vụ án tranh chấp phần đất bị lấn chiếm, đương sự xuất trình bản vẽ đo đạc thực tế và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh thửa đất của mình đang bị lấn chiếm. Trường hợp này, Toà án cần tiến hành xác minh, thẩm định tại chỗ các thửa đất đang có tranh chấp để xác định tính chính xác các chứng cứ do các bên xuất trình, thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án đúng đắn.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!