Lĩnh vực nào thực hiện tổng điều tra thống kê quốc gia?

Lĩnh vực nào thực hiện tổng điều tra thống kê quốc gia?

21/02/2023 05:57

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

(PLVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm: 45 cuộc điều tra, khảo sát, trong đó có 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau.

3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia

Theo Chương trình, 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế. Cụ thể, tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm mục đích nhằm thu thập số liệu về dân số, lao động xã hội và nhà ở để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quy mô, cơ cấu phân bố và tỷ lệ tăng dân số, nguồn lao động và nhà ở của dân cư, là cơ sở để lập dàn chọn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê có đơn vị điều tra là hộ dân cư. Do đó, đối tượng điều tra sẽ là tất cả công dân Việt Nam cư trú thường xuyên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hoặc đang tạm trú ở nước ngoài; hộ dân cư.

Về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô và cơ cấu lao động nông thôn; NLTS; quy mô đất đai, điều kiện sản xuất NLTS; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong nông thôn, NLTS; xây dựng cơ sở dữ liệu về NLTS và nông thôn; lập dàn mẫu cho các cuộc điều tra chọn mẫu; so sánh quốc tế.

Trong khi đó, đối với tổng điều tra kinh tế, mục đích điều tra là để thu thập thông tin cơ bản về số cơ sở kinh tế, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế; kết quả hoạt động để làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp dàn mẫu tổng thể phục vụ công tác chọn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê.

Do đó, đối tượng tổng điều tra gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở sự nghiệp ngoài công lập, hiệp hội; tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam…

42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau

Bên cạnh đó, còn có 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau sẽ được chia thành 7 nhóm, cụ thể như sau: Nhóm 1 là điều tra dân số, lao động và việc làm; Nhóm 2 là điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nhóm 3 là điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư; Nhóm 4 là điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia; Nhóm 5 là điều tra giá; Nhóm 6 là điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông; Nhóm 7 là điều tra y tế, xã hội và môi trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung Chương trình điều tra thống kê quốc gia cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ. Chương trình điều tra thống kê quốc gia là căn cứ để các bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch các cuộc điều tra, xây dựng phương án điều tra, kế hoạch thực hiện, dự toán kinh phí và quyết định các cuộc điều tra thống kê, tạo sự ổn định cho hoạt động thống kê.

Về kinh phí để thực hiện các cuộc điều tra thống kê sẽ do ngân sách Nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách của các cơ quan theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả nguồn kinh phí khác do tổ chức quốc tế tài trợ theo các chương trình dự án) bảo đảm theo quy mô, tính chất của từng cuộc điều tra. Kết quả các cuộc điều tra thống kê phải được công bố theo đúng các quy định của Luật Thống kê và các quyết định hiện hành của Nhà nước về điều tra thống kê.