Doanh nghiệp sản xuất mong được hỗ trợ xây nhà cho công nhân

Doanh nghiệp sản xuất mong được hỗ trợ xây nhà cho công nhân

TP HCMNhà ở xã hội giới hạn người mua, căn hộ thương mại vượt khả năng tài chính nên doanh nghiệp sản xuất mong được tự xây nhà bán không lợi nhuận cho người lao động.

“Chúng tôi không kinh doanh nhà kiếm lời mà muốn tạo ra chỗ ở giữ chân người lao động. Doanh nghiệp sẽ bỏ ra tất cả chi phí, chỉ mong thành phố hỗ trợ thủ tục”, ông Nguyễn Xuân Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex), nói tại chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp, chiều 10/10. Đây là hoạt động thường niên tôn vinh các chủ doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Tổng giám đốc Bitex, phát biểu tại lễ tuyên dương, chiều 10/10. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Tổng giám đốc Bitex, phát biểu tại lễ tuyên dương, chiều 10/10. Ảnh: Hoàng Triều

Theo ông Dũng, chỗ ở với người lao động rất quan trọng. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng khoảng 50 phòng ở, trang bị đầy đủ thiết bị gia đình. Người lao động chỉ cần xách vali đến ở. Tuy nhiên, việc này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ mong muốn của các nhân viên.

“Mong mỏi lớn nhất của người lao động là có được một căn nhà của riêng mình”, ông Dũng nói, cho biết thêm thu nhập bình quân của người lao động hiện rất khó để mua được nhà ở thương mại trong khi nhà ở xã hội không dễ gì tiếp cận do không thuộc nhóm ưu tiên theo quy định, chưa kể nguồn cung khan hiếm.

Lãnh đạo Bitex nói doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính để mua đất, xây nhà và bán trả góp cho lao động của mình. Tức là doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng, người lao động sau khi nhận nhà hàng tháng trích lương trả dần. Các làm này giúp lao động có nhà nhưng rào cản lớn nhất hiện này là thủ tục pháp lý nằm ngoài tầm doanh nghiệp.

“Nhu cầu nhà ở hiện quá lớn nhưng cung ít hoặc giá quá cao. Do đó, chúng tôi mong thành phố nghiên cứu hỗ trợ chính sách để giúp doanh nghiệp sản xuất dù không kinh doanh bất động sản nhưng được phép tự tạo lập chỗ ở cho lao động của mình”, ông Dũng nói. Doanh nghiệp sẽ cam kết không lợi nhuận, bán cho đúng người “nếu sai sẽ chịu mọi hình thức xử lý”.

Lãnh đạo Bitex cho rằng làm được việc này sẽ giúp lao động an tâm gắn bó, góp phần giải quyết được bài toán nhân lực cho doanh nghiệp và cả thành phố.

Nhà ở cho công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh:Lê Tuyết

Nhà ở cho công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Lê Tuyết

Hỗ trợ chỗ ở cho lao động cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp được tuyên dương trong chương trình thực hiện bên cạnh các chính sách phúc lợi khác để giữ chân người lao động. Ngoài Bitex, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1) cũng xây nhà lưu trú với 285 phòng, tạo chỗ ở cho hơn 1.000 lao động. Công ty CP Eternal Prowess Việt Nam ở quận 12 cũng xây nhà lưu trú cho công nhân ở xa…

TP HCM hiện có 18 khu công nghiệp với gần 1.700 doanh nghiệp, sử dụng ít nhất 320.000 lao động. Riêng công nhân làm trong các nhà máy, toàn thành phố có hơn 1,3 triệu người. Đến nay thành phố chỉ có 16 nhà lưu trú dành cho công nhân đáp ứng chỗ ở gần 22.000 người. Số lao động còn lại phải thuê trọ hoặc ở nhờ nhà người quen. Diện tích phòng trọ phổ biến ở mức 12m2, có 2-3 người sinh sống, mỗi người mất 15-20% thu nhập cho chỗ ở.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ. Từ nay đến 30/4/2025, thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn tất các thủ tục để khởi công thêm 5-6 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 6.000 căn.

Phát biểu tại lễ tuyên dương 23 chủ doanh nghiệp tiêu biểu, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói các doanh nhân không chỉ năng động trong sản xuất kinh doanh mà còn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Theo ông Hoan, thành phố luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Chính quyền địa phương cần thường xuyên gặp gỡ để giải quyết các vướng mắc, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Lê Tuyết